Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 22/CT-UB

Long Xuyên, ngày 13 tháng 08 năm 1996

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN MỘT SỐ CÔNG TÁC TRONG MÙA LŨ 1996 VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẦN TẬP TRUNG CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NĂM 1997.

Năm 1996 tỉnh ta sản xuất vụ lúa Hè thu với diện tích lớn nhất so nhiều năm qua (202.440 ha). Nguyên nhân việc mở rộng diện tích này chủ yếu do kết quả sản xuất nông nghiệp thắng lợi lớn trong năm 1995 về năng suất, sản lượng, giá bán nông sản và hệ thống thuỷ lợi ngày càng được đầu tư mở rộng ở các vùng hoang hoá. Năm 1996 tại 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã khai hoang 5.694 ha đưa vào trồng lúa.

Tuy nhiên, trong sản xuất, đặc biệt là vụ Hè Thu đã gặp khó khăn như: mưa bão, lũ sớm; giống bạc bụng, kỹ thuật canh tác đến thu hoạch, sau thu hoạch; giá cả nông sản – lương thực sụt giảm làm tổn thất lớn về năng suất sản lượng, đưa đến thu nhập của nông dân thấp, thậm chí hoàn vốn hoặc lỗ, nhất là đối với các vùng sâu thuộc tứ giác Long Xuyên.

Để có thể xác định đúng mức thiệt hại này và có những biện pháp để khắc phục trong thời gian tới. Thường trực Uỷ ban chỉ đạo thực hiện một số công tác như sau :

1- Xác định diện tích sản xuất năng suất - sản lượng vụ Hè thu 1996. Cục Trưởng Cục Thống kê, phối hợp UBND các huyện, thị xã cho điều tra bằng mẫu chính xác, không được đong đo trong lúc thu hoạch (sản lượng thô) để làm căn cứ tính năng suất. Cần chú ý: Có nhiều diện tích lúa lúc trổ bị mưa bão, lúc gần chín bị sập, lúc thu hoạch rơi vào cơn bão số 2 lúa ướt lên mọng; hàng ngàn hécta tại huyện Châu Phú (vùng mới mở chưa có đê bao do nông dân tự phát làm không theo qui hoạch) đã phải thu hoạch non lúc lúa chín 60 – 70%.

2- Uỷ Ban Nhân Dân các huyện thị cần phải tập trung lãnh đạo, hướng dẫn giúp đỡ cho các vùng có sản xuất vụ lúa Thu Đông, phải theo dõi thường xuyên bảo vệ đê, đập, cống bửng để bảo đảm cho được diện tích đã xuống giống, bảo đảm sản xuất ăn chắc và thu hoạch trọn vẹn trong 1-2 tháng tới.

3- Theo dự báo, khả năng lũ năm nay có thể diễn biến phúc tạp, do đó ban phòng chống lụt bão Tỉnh, các huyện, xã, các đoàn thể, Ban tự quản có kế hoạch phối hợp giúp đỡ cho các hộ dân nghèo vùng sâu, đầu nguồn bị ngập sâu, ở lẻ tẻ, di dời đến nơi an toàn. Đối với các nhà bị ngập năm rồi thì xúc tiến việc cho vay đấp nền, làm sàn và vận động các gia đình sửa chữa nhà cho kiên cố, có rào chắn để không xảy ra các trường hợp chết người (chủ yếu là trẻ em) như 2 năm 1994, 1995. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị bảo vệ các công trình, cơ sở hạ tầng tại địa phương mình.

4- Về sản xuất nông nghiệp, qua tình hình thực tế năm nay cho ta nhiều kinh nghiệm cần phải rút ra và nhanh chóng tổ chức thực hiện một số mặt công tác về vận động, khuyến nông cho thời gian tới.

a. Về giống: Vận động thay giống IR 50404 bằng các giống xuất khẩu cho vụ sản xuất Đông Xuân 1996 – 1997. Chỉ riêng vùng đất phèn mới mở phải chọn giống thích hợp như IR 66707, IR 59606.

b. Vận động nông dân, tổ liên kết sản xuất cùng góp vốn làm lò sấy ngay để nước rút triển khai, cố gắng mỗi tổ LKSX có 1 lò sấy để tránh tình hình lúa ẩm ướt lên mọng như vừa qua. Phải xây dựng mỗi xã 1 sân bóng đá, mỗi ấp, tổ tự quản có sân bóng chuyền, cầu lông... để phát triển TDTT, vừa làm nơi phơi lúa. Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng phơi lúa trên đường, kể cả đường nông thôn.

c. Về cơ khí phục vụ cho thu hoạch, công ty Dịch vụ KTNN và Xí nghiệp Cơ khí Tỉnh đã có nhiều kiểu máy thu hoạch có thể áp dụng tốt cho vụ Hè thu, cần khuyến khích nông dân, tổ liên kết hùn vốn đầu tư để giúp cho việc thu hoạch nhanh, có hiệu quả không bị động do thời gian thu hoạch tập trung cho cả 2 vụ trong năm.

d. Về kỹ thuật canh tác đặc biệt là phân bón cũng cần có nghiên cứu để hướng dẫn nông dân, nhất là vụ Hè Thu để cây lúa cứng, hạn chế đổ ngã từ đó năng suất ít bị tổn thất hơn.

Trên đây là một số công tác cần thiết cấp bách các ngành Nông nghiệp, Thống kê. UBND huyện, xã, đoàn thể cần được tập trung thực hiện trong mùa lũ và chuẩn bị cho sản xuất nông nghiệp năm 1997 để giúp nông dân giảm được thiệt hại và sản xuất có hiệu quả cao. Riêng Sở Nông nghiệp – PTNT phải có chương trình kế hoạch sản xuất 1997 và đến năm 2000, trong đó chú ý giải quyết vấn đề giống, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vấn đề thức ăn gia súc, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm... Mỗi mùa vụ sản xuất phải được đánh dấu sự tăng trưởng rõ rệt, không chỉ về số lượng mà đặc biệt phải là chất lượng sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.

 

 

Nơi nhận:        
- TT TU – HĐND tỉnh               
- Các Sở, Ban ngành,
 Đoàn thể cấp tỉnh
- UBND các huyện, thị            
- Lưu

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH  
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/CT-UB về thực hiện một số công tác trong mùa lũ 1996 và những biện pháp cần tập trung cho sản xuất nông nghiệp năm 1997 do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 22/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/08/1996
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/08/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 15/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản