Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CT-UB

Bến Tre, ngày 20 tháng 12 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ HOẠT ĐỘNG HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG TRONG NHỮNG NĂM TRƯỚC MẮT.

Từ năm 1982 tới nay, Hội khỏe Phù Đổng đã được Bộ Giáo dục đào tạo tổ chức 4 kỳ (1982, 1987, 1992, 1996). Tỉnh Bến Tre tổ chức hội khỏe Phù Đổng các cấp theo định kỳ ấy, và đã đạt được một số thành tích thể thao nhất định tại các hội khỏe Phù Đổng cấp toàn quốc. Hội khỏe Phù Đổng thu hút đông đảo lực lượng học sinh tham gia phong trào rèn luyện thân thể, thi đấu thể thao, và thật sự đã trở thành một động lực cơ bản thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong nhà trường, góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phát triển tài năng cho tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động hội khỏe Phù Đổng ở Bến Tre còn nhiều mặt hạn chế, chưa duy trì phong trào được thường xuyên, chưa phát triển đồng bộ ở các địa phương, cơ sở… Do đó, thành tích thể thao đạt được ở các kỳ tham dự hội khỏe Phù Đổng toàn quốc chưa có sự tiến bộ rõ rệt.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên là:

- Các cấp chính quyền, ngành Giáo dục – Đào tạo và các ngành liên quan chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến công tác TDTT trong nhà trường.

- Việc phối hợp giữa 2 ngành chính là Giáo dục – Đào tạo và Văn hóa Thông tin – Thể thao còn mang tính thời vụ, chưa thường xuyên, chưa thật sự có hiệu quả.

- Thiếu chủ trương, kế hoạch với mục tiêu cụ thể để duy trì và phát triển phong trào hội khỏe Phù Đổng giữa hai kỳ hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, đồng thời tạo nên sự chuyển biến tốt đối với phong trào hội khỏe Phù Đổng ở tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra một số yêu cầu đối với hoạt động hội khỏe Phù Đổng của tỉnh từ nay đến năm 2000 và những năm tiếp theo, cụ thể như sau:

- Duy trì thường xuyên và phát triển có chất lượng phong trào luyện tập, thi đấu thể thao trong nhà trường thông qua việc tổ chức định kỳ hội khỏe Phù Đổng hàng năm ở từng cấp thích hợp. Đây là biện pháp hàng đầu để tạo sự chuyển biến làm phát triển tốt phong trào TDTT trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và nâng cao nếp sống lành mạnh trong học sinh.

- Phát huy, chấn chỉnh và củng cố có hiệu quả nhằm bảo đảm việc phát triển sâu rộng, có chất lượng đối với hội khỏe Phù Đổng đồng bộ ở các địa phương, nhà trường trong toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2000, hầu hết các trường học trong tỉnh đều có hoạt động hội khỏe Phù Đổng và không có huyện yếu kém về hội khỏe Phù Đổng.

- Đầu tư xây dựng lực lượng vận động viên trong học sinh phổ thông gắn với việc bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ và nâng cao thành tích thể thao tỉnh nhà. Đảm bảo thành tích thể thao không ngừng tăng lên và đạt thứ hạng khá trong các kỳ hội khỏe Phù Đổng sắp tới.

Để thực hiện các yêu cầu trên, trước mắt cần tiến hành một số biện pháp sau đây:

1- Củng cố và thành lập lại Ban chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng các cấp theo định kỳ Hội Khỏe Phù Đổng của từng cấp. Ban Chỉ đạo Hội Khỏe Phù Đổng là tổ chức phối hợp dưới sự chủ trì của Ủy ban nhân dân, duy trì hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ đối với công tác TDTT ngoại khóa trong nhà trường. Nhiệm kỳ của Ban chỉ đạo Hội Khỏe Phù Đổng theo kỳ Hội Khỏe Phù Đổng.

2- Xây dựng kế hoạch triển khai định kỳ tổ chức các hoạt động thể thao học sinh các cấp trong tỉnh và tham dự cấp toàn quốc từ nay đến năm 2000. Cụ thể:

- Tổ chức Hội Khỏe Phù Đổng cấp tỉnh 2 năm/1 lần (năm 1998 và 2000); Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện thị và trường học được tổ chức hàng năm.

Hội thao hè đến cấp tỉnh vào những năm không tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, ở một số môn thể thao phổ biến như: Bóng đá mini, bóng bàn, điền kinh, bơi lội và cờ vua với quy mô thích hợp.

- Tham dự các giải thể thao học sinh toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

- Tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2000.

3- Xây dựng kế hoạch phát triển rộng phong trào luyện tập và thi đấu 3 môn thể thao: Bóng đá mini, điền kinh và cờ vua ở tất cả các trường học trong tỉnh, vận động phong trào “mỗi học sinh luyện tập thường xuyên một môn thể thao”.

4- Tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện ở trường Nghiệp vụ Văn hóa thể thao của tỉnh, có kế hoạch dài hạn để tuyển chọn và xây dựng lực lượng vận động viên chuẩn bị cho các kỳ tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

5- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa hai ngành Giáo dục – Đào tạo và Văn hóa Thông tin Thể thao, nhằm động viên tận dụng mọi nguồn nhân, vật lực đảm bảo cho việc phát triển phong trào Hội khỏe Phù Đổng trong nhà trường. Kinh phí Giáo dục – Đào tạo hàng năm dành một khoản thích hợp để chi cho các hoạt động thể thao, Hội khỏe Phù Đổng các cấp.

Trên đây là chỉ thị của UBND tỉnh về Hội khỏe Phù Đổng trong những năm trước mắt, Sở Giáo dục – Đào tạo và Sở Văn hóa Thông tin Thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai và kiểm tra việc thực hiện ở các cấp trong tỉnh, định kỳ báo cáo kết quả việc thực hiện chỉ thị này về UBND tỉnh.

 

 

 

 

TM.UBND TỈNH BẾN TRE
KT. CHỦ TỊCH
P.CHỦ TỊCH




Trần Công Ngữ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/CT-UB năm 1996 về hoạt động Hội khỏe Phù Đổng trong những năm trước mắt do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 22/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/12/1996
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Công Ngữ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 09/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản