Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 22/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 05 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC HOÀN TẤT THANH TOÁN CÔNG NỢ GIAI ĐOẠN 1 ĐẾN NGÀY 5/6/1992.

Giai đoạn 1 tổng thanh toán công nợ trên địa bàn thành phố đã giải quyết được 90% số chênh lệch phải trả và 70% số chênh lệch được thu. Đến nay thời hạn thanh toán nợ phải trả đã hết nhưng nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc việc thanh toán nợ, không trả nợ cũng không vay để trả nợ, làm ảnh hưởng tiến độ chung của thành phố. Nguyên nhân trù trừ không thực hiện các quy định của Hội đồng Bộ trưởng, Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì một số đơn vị không nắm vững chủ trương, chính sách, sợ trách nhiệm. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận huyện phải chấp hành nghiêm túc các quy định về thanh toán công nợ.

Mục đích của tổng thanh toán công nợ là làm lành mạnh hóa tài chánh xí nghiệp, giải quyết tình trạng công nợ dây dưa kéo dài. Ở giai đoạn 1, việc thanh toán bù trừ mang ý nghĩa đảo nợ sang Nhà nước; đơn vị có chênh lệch phải trả trở thành nợ của Nhà nước (vay vốn Nhà nước để trả nợ) ; đơn vị có chênh lệch phải thu được Nhà nước chuyển tiền trả. Để thực hiện công việc này Nhà nước sử dụng nguồn vốn của Nhà nước giao cho Ngân hàng để cho các đơn vị kinh tế quốc doanh vay theo loại cho vay đặc biệt, trong đó Nhà nước đã tính đến tỷ lệ rủi ro sau này.

Theo quy định, Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương giao chỉ tiêu cho vay 75% số chênh lệch phải trả. Nhờ điều hòa tốt nên hiện nay thành phố có thể giải quyết cho vay 100% số chênh lệch phải trả. Trong văn bản số 73/CV-NH1 ngày 7/3/1992 ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo như sau:

“- Sau khi cho vay nếu xét cần thiết phải giải thể xí nghiệp thì lập hồ sơ báo cáo với Ủy ban nhân dân và Ban thanh toán nợ thành phố đồng gởi Bộ chủ quản, Bộ Tài chánh, Ngân hàng Nhà nước Trung ương, xử lý bán tài sản thu hồi nợ cho vay thanh toán công nợ. Sau khi xử lý theo pháp luật (có sự tham gia của Ban thanh toán nợ), số nợ không thu hồi được Ban tổng thanh toán nợ Trung ương sẽ trình Thường trực Hội đồng Bộ trưởng cho thanh toán bằng nguồn vốn Nhà nước dành bù đắp các tổn thất rủi ro.

- Khi chưa thu được nợ cho vay thanh toán bù trừ trong tổng thanh toán nợ giai đoạn 1 thì các Ngân hàng Thương mại (đơn vị cho vay) chưa phải nộp lãi đối với loại cho vay này cho Ngân hàng Nhà nước. Tiền lãi chỉ tính và theo dõi ngoài bảng cân đối.

- Đối với các khoản nợ về thiết bị toàn bộ, về xây dựng cơ bản chưa được Nhà nước cấp vốn. Căn cứ chỉ tiêu thanh toán do Ban tổng thanh toán nợ giao cũng cho vay để thanh toán”.

Ngoài ra, sau khi tiến hành lập thẻ xác nhận nợ, toàn quốc đã lên cân đối chung. Vì vậy, không chấp nhận một đơn vị nào, một trường hợp nào không thực hiện việc thanh toán theo thẻ xác nhận nợ, làm phá vỡ cân đối chung khiến các đơn vị khác không hạch toán được.

Với tầm quan trọng và khẩn trương nói trên của tổng thanh toán công nợ ; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :

1- Giám đốc, thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện tiến hành kiểm tra lại các đơn vị trực thuộc để buộc các đơn vị có nợ phải tiến hành trả nợ hoặc vay để trả nợ ngay, không được chậm trễ.

Trường hợp đơn vị đang tiến hành thanh lý giải thể thì sở chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân quận huyện (Phòng Tài chánh) đứng ra ký khế ước vay để trả nợ và xử lý theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong văn bản số 73/CV-NH nói trên.

2- Đối với những khoản nợ có mắc mứu, ý kiến khác nhau thì căn cứ để thanh toán trong đợt này là thẻ xác nhận nợ đã ký tên, hoặc quyết định xử lý của cơ quan Trọng tài kinh tế. Đơn vị nợ phải thanh toán ngay, mọi sự khiếu nại sẽ được cơ quan thẩm quyền hoặc Trọng tài kinh tế xét xử sau.

3- Giao Ban thanh toán nợ thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân quận huyện làm thông suốt nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố đối với các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

4- Thời hạn cuối cùng hoàn tất việc thanh toán công nợ nói trên là ngày 5/6/1992. Đơn vị nào không chấp hành sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Hữu Nhơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/CT-UB năm 1992 về việc hoàn tất thanh toán công nợ giai đoạn 1 đến ngày 5/6/1992 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 22/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/05/1992
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vương Hữu Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản