Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 22/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 05 năm 1980

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

Mấy năm qua, thành phố đã có nhiều cố gắng xây dựng, phát triển màng lưới trường lớp cho học sinh, và cũng có nhiều quy định cụ thể vận dụng các chế độ, chánh sách của Nhà nước về chăm sóc đời sống cho giáo viên. Những cố gắng đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của thành phố.

Hiện nay, trong tình hình sản xuất và đời sống của thành phố còn gặp nhiều khó khăn, để cho sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển vững chắc, cần cố gắng nhiều hơn nữa trong việc ổn định đời sống cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, và cần tiếp tục tăng cường cơ sở trường lớp cho học sinh. Để giải quyết các yêu cầu cấp bách, căn cứ sự chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định một số chủ trương, biện pháp như sau:

I. VỀ VIỆC ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG CHO GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC

1) Trước hết, cần thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước đã ban hành về chế độ, chánh sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (bao gồm các quy định của Trung ương và các điều vận dụng cụ thể của thành phố).

Ngành giáo dục cần chủ động phối hợp với các ban, ngành hữu quan (Kế hoạch, Tài chánh, Tổ chức chánh quyền, Ngân hàng, Lương thực, Thương nghiệp, ….) và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã thường xuyên kiểm tra việc thi hành các quy định nói trên, đảm bảo cho các quy định đó được thi hành đầy đủ, khắc phục mọi hiện tượng chấp hành tùy tiện.

2) Những giáo viên và cán bộ quản lý hiện đang được hưởng chế độ trợ cấp khó khăn, nhưng nếu mức sống bình quân của gia đình (tính những người ăn theo) vẫn còn quá thấp so với mức tối thiểu cần thiết trong tình hình hiện nay, cần được xét nâng mức trợ cấp thường xuyên đó.

Sở giáo dục phối hợp với Ban Tổ chức chánh quyền Sở Tài chánh và Công đoàn Giáo dục nghiên cứu, kiến nghị cụ thể ( tiêu chuẩn được xét trợ cấp, mức trợ cấp, nguồn vốn, …) để Ủy ban Nhân dân thành phố có quyết định.

3) Trong khi chờ đợi thành phố xây dựng một phương thức phân phối mới về các tiêu chuẩn định lượng (lương thực, thực phẩm, hàng nhu yếu), giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, kể cả gia đình (tính những người ăn theo) được xếp vào diện các đối tượng ưu tiên, được đảm bảo phân phối thường xuyên, đầy đủ, đúng kỳ và bảo đảm chất lượng các tiêu chuẩn đã được quy định.

4) Giáo viên làm công tác giảng dạy, nhưng nếu vì yêu cầu quá bức thiết của ngành, được ngành bố trí làm công tác quản lý ở bất cứ cấp nào và đơn vị nào của ngành (và khi cần, có thể được bố trí trở lại giảng dạy) vẫn được hưởng lương giáo viên (chưa kể phụ cấp chức vụ, nếu có) và được hưởng chế độ nâng lương theo thang lương giáo viên, như công văn 2589/TC ngày 21 tháng 9 năm 1979 của Bộ Giáo dục đã hướng dẫn. (Trừ trường hợp bản thân giáo viên yêu cầu chuyển sang làm công tác quản lý, không làm công tác giảng dạy nữa, hoặc trường hợp giáo viên chuyển công tác sang ngành khác ngoài ngành giáo dục).

5) Giáo viên dạy giỏi được hưởng chế độ bồi dưỡng thích đáng; nếu liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được xét nâng lương trước hạn định.

6) Sự quan tâm thường xuyên của quận, huyện và phường, xã (cấp ủy Đảng, chánh quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể) đối với đời sống của giáo viên là yếu tố hết sức quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và phường, xã cần thường xuyên nắm sát tình hình đời sống của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngụ tại địa phương (kể cả giáo viên, cán bộ quản lý các trường cấp 3 ở tại địa phương) để cùng với Hội đồng Nhân dân, Mặt trận, các ngành, các đoàn thể có biện pháp chăm sóc, giúp đỡ thiết thực về cả vật chất lẫn tinh thần, ưu tiên xếp công ăn việc làm giúp cho gia đình giáo viên có thêm thu nhập; cải thiện chỗ ở cho những gia đình có khó khăn về chỗ ở; ở ngoại thành, nếu có điều kiện, có thể vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà ở cho giáo viên được ở gần trường; giúp phương tiện cho giáo viên tổ chức sản xuất thêm rau màu và chăn nuôi để cải thiện bữa ăn…

II. VỀ TRƯỜNG LỚP

1) Đối với cấp phổ thông 1, 2, trước mắt cần kiên quyết thanh toán dứt điểm tình trạng học 4 ca tại một số quận, huyện, và trong một vài năm tới, cần phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng học 3 ca. Để thực hiện:

a) Cần dành ưu tiên vốn đầu tư, vật tư cho sửa chữa và xây dựng trường lớp, nhất là ở ngoại thành và một số quận nội thành có khó khăn. Ủy ban Kế hoạch và Sở Tài Chánh cần xem xét lại cá khoản đầu tư dành cho khối Văn xã, nếu có mục nào chưa thật cấp thiết thì tạm hoãn để tập trung cho trường học.

b) Đi đôi với nguồn đầu tư của Nhà nước, cần huy động các nguồn đầu tư khác từ quỹ phúc lợi của nhà máy, xí nghiệp (của thành phố và của Trung ương tại thành phố), quỹ công ích của tập đoàn, hợp tác xã, và sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, phụ huynh học sinh (bằng công lao động, vật liệu, tiền…). Sở Giáo dục có trách nhiệm cùng với Sở Tài chánh nghiên cứu vận dụng các quy định của Nhà nước, của Tổng Công đoàn để kiến nghị với Ủy ban Nhân dân thành phố quy định cụ thể việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn đầu tư này.

c) Trong khi chờ đợi một văn bản quy định cụ thể việc phân cấp quản lý toàn diện ngành giáo dục thành phố (Sở Giáo dục nghiên cứu trình Ủy ban Nhân dân thành phố), riêng về mặt quản lý cơ sở vật chất trường lớp, cần khẳng định Ủy ban Nhân dân các quận, huyện là cấp có trách nhiệm trực tiếp quy hoạch màng lưới các trường mẫu giáo, phổ thông cấp 1, cấp 2 trong phạm vi quận, huyện; có kế hoạch sửa chữa và xây mới các trường đó (kể cả trang bị bên trong như bàn ghế, bảng, tủ…); nhận vốn đầu tư và vật tư của thành phố (Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh), đồng thời có kế hoạch, biện pháp huy động các nguồn đóng góp của địa phương.

Để cho vấn đề trường lớp được giải quyết có hiệu quả, ở các quận, huyện nên hình thành một “Ban Xây dựng và tu bổ trường hoc” (như cách làm của huyện Hốc môn), thực chất là tổ chức việc phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Kế hoạch, Tài chánh, Xây dựng, Nhà đất, có sự tham gia của đại biểu Hội đồng Nhân dân, do 1 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện chủ trì và do Ban Giáo dục nhà trẻ làm tham mưu.

2) Ngành quản lý nhà đất cần tiếp tục dành ưu tiên cấp nhà cho Mẫu giáo; cần kiểm tra và bảo đảm cho các nhà đã cấp được sử dụng đúng mục đích đã định.

3) Các trường phổ thông trung học vừa học vừa làm (công nghiệp Thủ Đức, nông nghiệp Trung Phú – Củ Chi, nông nghiệp Lê Minh Xuân) là những đơn vị thí điểm của phương pháp giáo dục và đào tạo kết hợp chặt chẽ học tập với lao động sản xuất. Trong bước đầu xây dựng, các trường đó cần được đặc biệt quan tâm giúp đỡ. Sở Giáo dục cần làm việc trực tiếp với Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp để cho các trường đó được giúp vốn xây dựng cơ bản, vật tư, đất sản xuất, và các phương tiện khác cần thiết cho lao động sản xuất của các trường.

4) Vấn đề chỗ ở nội trú cho học sinh các trường sư phạm (sư phạm trung học, sư phạm mẫu giáo, cao đẳng sư phạm) có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên. Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, nếu chưa giải quyết được toàn bộ thì cũng cần có kế hoạch tích cực giải quyết từng bước, từng phần để cuối cùng bảo đảm thực hiện được đầy đủ nguyên tắc đào tạo. Ngành quản lý nhà đất cùng với các ngành hữu quan cần quan tâm giúp ngành giáo dục giải quyết vấn đề này.

Những thành tích tốt đẹp của sự nghiệp giáo dục của thành phố trong 5 năm qua thể hiện đường lối giáo dục đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, và là kết quả sự phối hợp đóng góp xây dựng của các ngành, các cấp và nhân dân thành phố. Nhưng sự phát triển khá nhanh của sự nghiệp giáo dục cũng đặt ra nhiều vấn đề chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chăm sóc ổn định đời sống cho hơn 3 vạn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, và vấn đề bảo đảm đủ trường, đủ lớp, đủ phương tiện học tập cho gần 1 triệu học sinh đang là những vấn đề cấp bách nhất. Giải quyết tốt các được các vấn đề đó không chỉ giúp cho sự nghiệp giáo dục phát triển vững chắc mà còn đóng góp tích cực ổn định tình hình chung của thành phố. Vì ý nghĩa quan trọng, Ủy ban Nhân dân thành phố mong các ngành, các cấp phối hợp mọi cố gắng khẩn trương thực hiện các vấn đề đặt ra trong chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/ THƯỜNG TRỰC




Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/CT-UB năm 1980 về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách của ngành giáo dục do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 22/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/05/1980
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/1980
  • Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản