Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 22/2007/CT-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG, QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Thực hiện các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành nên trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn các công trình xây dựng đều đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên còn có công trình do chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng không tuân thủ các quy định của Nhà nước về công tác quản lý chất lượng nên đã để xảy ra sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại đến sinh mạng, ảnh hưởng tới độ an toàn tới độ an toàn của bản thân công trình và các công trình liên quan. Sự cố nghiêm trọng không chỉ xảy ra đối với công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp (thường với công trình do tư nhân làm chủ đầu tư), mà còn cả với công trình xây dựng lớn như cầu dẫn cầu Cần Thơ…..

Để tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các quận, huyện: Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông công chính, Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên môi trường và nhà đất và các Sở, Ban, Ngành có liên quan, các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn Hà Nội, tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện nghêm: Chỉ thị số 13/2006/CT-BXD ngày 23/11/2006 về tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng của chủ đầu tư là tư nhân; Chỉ thị 23/2006/CT-UBND ngày 15/12/2006 về việc tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố; Văn bản số 4378/UBND-XDĐT ngày 13/8/2007 về đôn đốc thực hiện trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Quyết định số 170/2006/QĐ-UBND ; Văn bản số 1895/BXD-GĐ ngày 5/9/2007 của Bộ Xây dựng, Văn bản số 5140/UBND-XDĐT ngày 19/9/2007 về tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình nhà ở tư nhân; ý kiến của UBND Thành phố về việc phối hợp thực hiện các quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng tại văn bản số 1744/SXD-GĐCL ngày 6/9/2007.

2. Các cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở, cơ quan cấp phép xây dựng tăng cường kiểm tra việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, các giải pháp thiết kế, kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân tham gia thiết kế, đảm bảo phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định hiện hành khuyến cáo, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai các biện pháp đảm bảo chất lượng và an toàn. Nâng cao chất lượng hồ sơ thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng. Thanh tra xây dựng quận, huyện, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát chặt chẽ việc thi công công trình theo các quy định đảm bảo trật tự vệ sinh an toàn trong quá trình xây dựng và theo giấy phép xây dựng. Xử lý các công trình vi phạm theo các quy định hiện hành.

3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng phải tăng cường công tác giám sát chất lượng công trình, đặc biệt trong giai đoạn thi công xây dựng. Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình; trách nhiệm của nhà thầu chính, nhà thầu phụ (nếu có), các máy móc, thiết bị thi công so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; kiểm tra biện pháp thi công, nhân lực và thiết bị thi công của nhà thầu; kiểm tra giám sát chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị công trình do nhà thầu thi công xây dựng công trình cung cấp theo yêu cầu của thiết kế; thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình theo quy định hiện hành. Thực hiện mua bảo hiểm công trình theo quy định.

4. Nhà thầu thi công phải lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận thi công xây dựng công trình trong việc quản lý kỹ thuật, chất lượng công trình xây dựng; thi công xây dựng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện biện pháp kỹ thuật thi công. Trong đó cần lưu ý đến biện pháp tháo dỡ công trình cũ (nếu có), biện pháp thi công, biện pháp kiểm tra kết cấu hệ dàn giáo thi công, chống đỡ, cốp pha. Thực hiện kiểm định và có biện pháp an toàn đối với các thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, các quy trình kỹ thuật thi công…., biện pháp thi công trong mùa mưa bão, biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công, công trình liền kề, đảm bảo an toàn cho người lao động trên công trường và các hộ dân xung quanh, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định. Phải bố trí nhân lực thi công có năng lực, trình độ kỹ thuật và được huấn luyện an toàn theo quy định, phù hợp với từng công việc thi công cụ thể.

5. Giao Sở Xây dựng, Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội và yêu cầu hội nhập. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình và việc thực hiện công tác đánh giá chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng của các chủ đầu tư có công trình xây dựng trên địa bàn.

Sở Tài nguyên – Môi trường và nhà đất chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát, kiểm tra các công trình nhà ở hư hỏng, xuống cấp và xác định nhà nguy hiểm theo các quy định hiện hành. Đề xuất biện pháp cải tạo, sửa chữa, phương án tổ chức di dời dân khẩn cấp (đặc biệt trong mùa mưa bão) với UBND Thành phố để tổ chức thực hiện. Có trách nhiệm bố trí đủ quỹ nhà phục vụ di dời dân trong các nhà nguy hiểm.

Sở Giao thông công chính chủ trì tổ chức kiểm tra chất lượng các cầu trên địa bàn Thành phố, kịp thời tổ chức lại giao thông để đảm bảo an toàn. Đề xuất các giải pháp giao thông, kế hoạch duy tu, sửa chữa, các biện pháp kỹ thuật đối với các cầu yếu, báo cáo UBND Thành phố để tổ chức thực hiện.

Sở Xây dựng giúp UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND Thành phố (để báo cáo);
- Chủ tịch UBND Thành phố (để báo cáo);
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Bộ Xây dựng (để báo cáo);
- Cục Giám định – Bộ Xây dựng;
- Các Sở, Ban, Ngành, UBND các Quận huyện, Phòng XD-ĐT Quận, Huyện;
- Các Tổng công ty, công ty, Ban quản lý dự án tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn Hà Nội;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khôi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/2007/CT-UBND tăng cường, quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 22/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/10/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Khôi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản