Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ:22/2002/CT-UB

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC : TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH, HÓA CHẤT, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT GÓP PHẦN ĐẢM BẢO VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Công điện số 420/CP-NN ngày 19/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, hóa chất trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Để đảm bảo sức khoẻ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhằm nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm nông sản, thực phẩm nuôi, trồng trên địa bàn Hà Nội, Uỷ ban nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng và UBND các Quận, Huyện triển khai thực hiện ngay một số công việc sau đây :

I. ĐỐI VỚI CÁC SỞ, BAN, NGÀNH :

1. Sở Nông nghiệp và PTNT  (cơ quan thường trực) chịu trách nhiệm triển khai một số nhiệm vụ chính như sau :

- Chỉ đạo Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các loại thuốc thú y, thức ăn gia súc và thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chế phẩm sinh học... theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh  doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất có tên trong danh mục cấm do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thuỷ sản quy định.

- Giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các Huyện ngoại thành, các Quận có sản xuất nông nghiệp, các nông trường, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tổ chức tuyên truyền và tập huấn về công tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định.

- Phối hợp với các Sở, Ngành : Thương mại, Y tế, Hải quan, Công an, Khoa học công nghệ và Môi trường, Kế hoạch và đầu tư. Tài chính vật giá đề xuất những quy định cụ thể về công tác quản lý sản xuất, buôn bán, lưu thông, xuất nhập khẩu các mặt hàng, danh mục hóa chất có liên quan đến thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc nằm trong danh mục và các quy định cấm của Nhà nước.

- Phối hợp với Hội Nông dân, UBND các Huyện và các Quận có sản xuất nông nghiệp chỉ đạo các địa phương từ khâu gieo trồng, thu hoạch và sơ chế rau quả, thực phẩm về : kỹ thuật, sử dụng các loại hóa chất nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm an toàn từ gốc; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra ngay từ khâu thu hoạch.

- Cùng với các Sở : Khoa học công nghệ và môi trường, Y tế có kế hoạch nhập khẩu trang thiết bị kiểm tra nhanh các loại rau quả, thực phẩm sản xuất và nhập khẩu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phối hợp với Sở Văn hóa thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các Báo : Hà Nội mới, Kinh tế Đô thị tổ chức tuyên truyền rộng rãi, vận động các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện tốt việc sản xuất kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn có nguồn gốc động, thực vật.

2. Sở Y tế giao thanh tra Y tế tổ chức triển khai một số nhiệm vụ sau :

- Thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh ngoại cảnh, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, điều kiện cơ sở kinh doanh...; có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân. Yêu cầu các cá nhân, đơn vị phải ký cam kết thực hiện đúng các quy định về quản lý sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng công bố công khai các trường hợp cố tính vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Sở Thương mại :

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật Thanh tra Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh  buôn bán thuốc thú y, thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chế phẩm sinh học theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm từ phạt hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh đến truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, cá nhân cố tình kinh doanh các hóa chất có nguy hại đến sức khoẻ cộng đồng.

- Có kế hoạch chỉ đạo các doanh nghiệp  của ngành, các chợ, các hộ kinh doanh ký kết hợp đồng với các địa phương, các hộ sản xuất rau quả, gia súc, gia cầm, thủy sản theo kỹ thuật sạch.

- Phối hợp với Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố, các Sở : Nông nghiệp và PTNT , Y tế, Khoa học công nghệ và Môi trường kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có nhiều thành tích trong việc chấp hành chính sách và quy định của Nhà nước về công tác này.   

II. UBND CÁC QUẬN, HUYỆN :

- Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các đơn vị sản xuất kinh doanh đảm bảo sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc đúng danh mục của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Thuỷ sản.

- Phối hợp với các Ngành :  Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Khoa học công nghệ và môi trường , Công an, quản lý thị trường... tăng cường công tác kiểm tra và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, gây ảnh hưởng đến vệ sinh, an toàn thực phẩm, sức khoẻ của người tiêu dùng; có kế hoạch giám sát các hộ trồng rau quả thi đua sản xuất rau an toàn, nghiêm cấm sản xuất loại rau không an toàn bán ra thị trường và  rau sạch riêng cho gia đình. Cứ 3 tháng các huyện cho sơ kết việc sản xuất rau của từng xã, có chế độ thưởng phạt nghiêm minh. Tiến hành cấp đăng ký các hộ trồng rau an toàn. Kinh phí do Thành phố cấp.

- Giao cho UBND các huyện : Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm và UBND các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân phối hợp với Sở Thương mại, Sở Nông nghiệp và PTNT  tổ chức các trung tâm sơ chế rau thành các loại rau an toàn cung cấp cho nhân dân Thành phố. Đây là việc làm cấp thiết  đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Các Quận cần tổ chức mạng lưới tiêu thụ tại các chợ, các phường các loại thực phẩm, rau quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân.

III. UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC THÀNH PHỐ, HỘI NÔNG DÂN THÀNH PHỐ, HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ THÀNH PHỐ : TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO CÁC CẤP HỘI CƠ SỞ PHỔ BIẾN, VẬN ĐỘNG CÁC HỘ KINH DOANH, CÁC HTX NÔNG NGHIỆP, CÁC HỘ XÃ VIÊN NGHIÊM TÚC CHẤP HÀNH CÁC QUI ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC VÀ THÀNH PHỐ VỀ CÔNG TÁC VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM, SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT, THUỐC THÚ Y, THỨC ĂN GIA SÚC TRONG NUÔI, TRỒNG. ĐẤU TRANH MẠNH MẼ VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VI PHẠM PHÁP LUẬT GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHOẺ VÀ TÍNH MẠNG NHÂN DÂN.

Uỷ ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ngành chức năng, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện và đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, hàng tháng có báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân Thành phố.

 

 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/2002/CT-UB về tăng cường quản lý sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật góp phần đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 22/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/05/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phan Văn Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản