Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/CT-UBND

Nghệ An, ngày 25 tháng 12 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN CẦU, ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Trong những năm qua hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, phát triển mạnh mẽ. Đến nay, hệ thống đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn khác và cầu dân sinh (gọi tắt là cầu, đường GTNT) trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 25.201 Km, trong đó: Mặt đường bê tông xi măng là 6.617,5Km; BTN là 414,2Km; láng nhựa là 4.353,3Km; cấp phối và đất là 13.816Km đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên tình trạng cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh xuống cấp diễn ra ngày càng nhiều và nhanh sau khi đưa vào sử dụng, gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Nguyên nhân do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; nguồn kinh phí bố trí cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên rất hạn chế hoặc chưa bố trí do không cân đối được, việc thực hiện chủ yếu huy động sức lao động của nhân dân là chính nhưng cũng chỉ được 01 lần/năm. Mặt khác, nhận thức về trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn của một số chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã và một số bộ phận nhân dân nhìn chung chưa cao; ý thức tự bảo vệ, sửa chữa cầu, đường giao thông trên địa bàn của mỗi hộ gia đình, mỗi địa phương còn hạn chế, còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước... Bên cạnh đó, lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng về cả số lượng và tải trọng xe; hạ tầng giao thông tuy có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để góp phần tăng tuổi thọ cầu, đường giao thông nông thôn, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước và nhân dân, đảm bảo giao thông thuận lợi, an toàn, nâng cao đời sống và an sinh xã hội, từng bước thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính và Thủ trưởng các ngành, tổ chức đoàn thể liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương cấp huyện, xã, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn thể nhân dân đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn, đặc biệt là cầu treo, cầu yếu trên địa bàn quản lý. Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức, mỗi địa phương, đơn vị liên quan.

b) Tổ chức quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của nhà nước về công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các thôn, bản, xóm, khối, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm... của mỗi người dân, mỗi tổ chức trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn để cung cấp đầy đủ thông tin nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong công tác này. Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến về công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn vào sinh hoạt định kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội và sinh hoạt thôn, bản, xóm, khối; sinh hoạt tổ tự quản khu vực dân cư.

c) Tăng cường quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn được phân cấp quản lý không để xuống cấp gây cản trở lưu thông, thường xuyên kiểm tra và có giải pháp sớm khắc phục những công trình xuống cấp nhằm hạn chế kinh phí sửa chữa.

d) Hàng năm, phải xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phù hợp cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn để duy trì khả năng khai thác của công trình.

đ) Tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

e) Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tổ chức cắm và thông báo mốc lộ giới các tuyến đường huyện, xã quản lý cho nhân dân biết để thuận lợi công tác quản lý và xử lý vi phạm; Khi tiến hành thi công cắm cọc mốc lộ giới phải căn cứ theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010; khi đầu tư xây dựng công trình giao thông phải căn cứ vào quy hoạch giao thông vận tải, xác định quy mô, cấp kỹ thuật để không phá vỡ quy hoạch đã được duyệt.

g) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:

- Nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn được phân cấp quản lý, đặc biệt là cầu treo, cầu yếu.

- Tuân thủ theo quy hoạch khi tiến hành lựa chọn vị trí và quy mô xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Khi đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10380:2014.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tự giác thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn được giao quản lý với các công việc như: Phát quang cây cối, xẻ rãnh thoát nước mặt đường, khơi thông cống, rãnh thoát nước không để tình trạng nước ứ đọng trên nền, mặt đường...; cam kết không lấn chiếm lề đường, vỉa hè, mương thoát nước, phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, các công trình giao thông khác để tập kết vật liệu xây dựng, rác thải, sản xuất kinh doanh...

- Tổ chức phát động phong trào toàn dân ra quân thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn trở thành việc làm thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, trường học, thôn, bản, xóm, khối trong toàn tỉnh. Gắn trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng thường xuyên từng đoạn đường, từng cầu dân sinh cho từng tổ chức, từng tổ tự quản...

Định kỳ, mỗi quý tổ chức huy động các tổ chức đoàn thể và nhân dân để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn nhằm kịp thời khắc phục những đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp mới phát sinh, khối lượng ít; đồng thời, tập trung sửa chữa khắc phục những đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp lớn.

- Hàng năm, phải xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phù hợp cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn được giao quản lý để tổ chức chỉ đạo, thực hiện nhằm duy trì khả năng khai thác của công trình và đảm bảo an toàn giao thông.

- Định kỳ mỗi quý một lần, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn do địa phương mình đảm nhận.

h) Hàng năm, tổ chức sơ kết (6 tháng), tổng kết (một năm) về công tác công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn theo nội dung Chỉ thị này và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt. Kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các tập thể, cá nhân không chấp hành nghiêm túc; báo cáo sơ kết, tổng kết gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, theo dõi.

2. Sở Giao thông vận tải:

a) Tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Kịp thời hướng dẫn việc thực hiện các văn bản chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn và bảo vệ hành lang an toàn giao thông cho các địa phương.

b) Rà soát, tham mưu xây dựng các Đề án, Quy định, Quyết định, cơ chế, chính sách... để phục vụ tốt việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, công tác quản lý, bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn do địa phương quản lý.

c) Hàng năm, tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

g) Trên cơ sở báo cáo sơ kết, tổng kết của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã và kết quả kiểm tra, định kỳ 6 tháng/lần tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.

3. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn.

b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc cân đối kế hoạch ngân sách hàng năm để bố trí cho công tác công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn; Sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

4. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các đoàn thể cấp huyện: Triển khai phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức phát động tốt các phong trào: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn và mô hình tổ tự quản cầu, đường giao thông nông thôn; phân công từng chi đoàn, chi hội phụ trách từng tuyến đường, từng đoạn đường, từng cầu dân sinh để quản lý và thực hiện.

Yêu cầu Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các tổ chức đoàn thể cấp huyện quan tâm triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị./.

 


Nơi nhận:
- Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: GTVT, TC, XD;
- UBND huyện, TP, TX;
- CVP, Các Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu: VTUB, CN (Dũng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Thái Thanh Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 21/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Thái Thanh Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản