Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 21/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 6 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐỢT KIỂM TRA TÌNH HÌNH SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Từ khi ban hành luật đất đai, tình hình quản lý và sử dụng đất đai ở thành phố nói chung đã có nhiều mặt tiến bộ hơn so với trước đây. Về quản lý, từ công tác kê khai, đăng ký, thống kê và phân loại, hạng đất cho đến việc giải quyết các thủ tục giao đất, thu hồi đất, cũng như việc thanh tra, giải quyết các vụ tranh chấp đất đai… đã từng bước đi vào nề nếp theo quy định của luật đất đai.

Tuy nhiên, về tình hình sử dụng đất đai (kể cả đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất xây dựng) nói chung còn nhiều bất hợp lý; nhiều nơi, nhất là ở các nông trường quốc doanh của thành phố và quận, huyện và ở một số đơn vị kinh tế tập thể (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp) đất đai còn bỏ trống không sản xuất, hoặc chỉ sản xuất một vụ trong năm, trong khi nhiều nơi khác một số nông dân không có đất đai để sản xuất. Nhiều cơ quan ở thành phố (kể cả các cơ quan của trung ương đóng ở thành phố) và các đơn vị quân đội còn quản lý hoặc được giao một số đất đai để xây dựng cơ bản còn sử dụng lãng phí, hoặc có nơi còn dùng đất sản xuất nông, lâm nghiệp để xây dựng cơ bản, làm nhà ở hoặc sử dụng cho yêu cầu khác, có cơ quan đơn vị còn cho thuê mướn đất sản xuất để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình. Tình hình trên đã gây ra sự lãng phí lớn trong việc sử dụng loại tư liệu sản xuất đặc biệt này của quốc gia, lại ở vào một thành phố lớn đất ít, đông dân là điều không thể chấp nhận được.

Để từng bước khắc phục tình hình trên, đưa công tác quản lý và sử dụng đất đai ở thành phố đi vào nề nếp, triệt để tiết kiệm và hạn chế việc sử dụng lãng phí đất đai, bảo đảm thi hành nghiêm túc luật đất đai của Nhà nước; đồng thời để thi hành thông tri số 36/TT-TU ngày 16 tháng 5 năm 1988 của Ban Thường vụ Thành ủy về một số biện pháp giải quyết tình hình biến động ruộng đất ở nông thôn ngoại thành hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương tổ chức đợt kiểm tra tình hình sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố thời gian từ nay đến cuối năm 1988. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị một số việc cần làm như sau:

1/ Về mục đích và nội dung của đợt kiểm tra đất đai lần này tập trung vào kiểm tra việc sử dụng các loại đất trên địa bàn thành phố, bao gồm đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất giao để xây dựng cơ bản và các loại đất chuyên dùng khác. Qua đợt kiểm tra sẽ xem xét điều chỉnh và phân giao lại việc sử dụng đất đai cho hợp lý; nếu là đất sản xuất còn để trống hoặc sử dụng không hợp lý sẽ phân giao và chia cấp lại cho các đơn vị có chức năng sản xuất và một số nông dân hiện nay chưa có hoặc có ít đất để sản xuất; nếu là đất giao để xây dựng cơ bản và các loại đất chuyên dùng khác sử dụng không hợp lý sẽ thu hồi và phân bổ lại việc sử dụng cho hợp lý, hạn chế và khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai. Đồng thời qua đợt kiểm tra này sẽ xem xét cơ quan, đơn vị và cá nhân nào sử dụng đất đai hợp lý, sẽ giải quyết việc cấp giấy phép sử dụng đất đai cho từng cơ quan, đơn vị và cá nhân theo quy định của luật đất đai.

2/ Về đối tượng kiểm tra, bao gồm tất cả các đơn vị kinh tế quốc doanh (các nông trường, trạm, trại); các đơn vị kinh tế tập thể (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp); các cơ quan, đơn vị (kể cả các đơn vị cơ quan của trung ương đóng ở thành phố) và cá nhân có sử dụng các loại đất để sản xuất và xây dựng đều phải kê khai, đăng ký kiểm tra.

3/ Để triển khai thực hiện tốt đợt kiểm tra sử dụng đất ở thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phân công việc tổ chức thực hiện như sau:

a) Cấp thành phố:

- Giao cho đồng chí Trưởng ban quản lý ruộng đất thành phố chủ trì, xây dựng kế hoạch kiểm tra và phối hợp cùng các ngành có liên quan ở thành phố như: Ủy ban xây dựng cơ bản, Viện quy hoạch và khoa học kỹ thuật xây dựng, Sở Nông nghiệp, Sở Lâm nghiệp, Sở Thủy sản, Sở Tư pháp và Ủy ban Thanh tra thành phố, tổ chức đoàn kiểm tra việc sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị (kể cả các cơ quan trung ương ở thành phố).

- Quá trình kiểm tra phát hiện không hợp lý thì đề xuất xử lý kịp thời và cuối đợt kiểm tra, Ban quản lý ruộng đất thành phố chịu trách nhiệm tổng kết chung tình hình sử dụng đất đai ở thành phố và đề xuất các trường hợp sử dụng không hợp lý còn lại cần phải điều chỉnh hoặc thu hồi để sử dụng cho hợp lý, trình cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.

b) Cấp quận, huyện: Giao cho đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức đoàn kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra tương tự như cấp thành phố để tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất đai của các cơ quan, đơn vị và cá nhân ở địa bàn của quận, huyện và tổng kết báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố đồng gởi 1 bản cho Ban quản lý ruộng đất thành phố để tổng hợp chung.

4/ Sở Tài chánh và Ủy ban Kế hoạch thành phố giải quyết yêu cầu kinh phí, nhiên liệu và các điều kiện cần thiết theo dự trù của Ban quản lý ruộng đất thành phố phục vụ cho đợt kiểm tra đất ở thành phố. Các quận, huyện phải tự giải quyết kinh phí trích từ ngân sách của quận, huyện để phục vụ cho đợt kiểm tra ở quận, huyện.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các đồng chí Giám đốc các Sở, Ban, Ngành ỏ thành phố nói trên và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Cương

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 21/CT-UB năm 1988 về tổ chức đợt kiểm tra tình hình sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 21/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/06/1988
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Văn Cương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/1988
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản