Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 206-TTg

Hà Nội , ngày 26 tháng 05 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC LẬP BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1960

Trong phiên họp lần thứ 2 vừa qua, Quốc hội đã thông qua tình hình chấp hành ngân sách Nhà nước năm 1960. Sắp tới, Hội đồng Chính phủ phải trình tổng quyết toán chính thức của Ngân sách Nhà nước năm 1960 để Quốc hội phê chuẩn.

Để việc lập tổng quyết toán Nhà nước được tốt, các Bộ, các ngành có liên quan đến thu chi ngân sách Nhà nước đều phải coi trọng việc lập quyết toán.

Mỗi bộ, mỗi cơ quan phải thông qua việc lập báo cáo quyết toán mà kiểm tra tình hình chấp hành kế hoạch thu chi tài vụ, chấp hành dự toán kinh phí của mình; phân tích sâu sắc các mặt hoạt động kinh tế nhằm rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước. Báo cáo quyết toán còn làm cơ sở cho Nhà nước kiểm tra tình hình chấp hành kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí, kiểm tra sự tôn trọng chế độ, kỷ luật tài chính và mức độ hoàn thành kế hoạch kinh tế quốc dân.

Lập quyết toán Nhà nước tốt, kịp thời, chính xác đạt được các yêu cầu trên đây là trách nhiệm của các cấp phụ trách trước Nhà nước và nhân dân.Theo phản ánh của Bộ Tài chính hiện nay, công việc lập quyết toán năm 1960 rất chậm trễ. Tuy Bộ Tài chính đã có thông tư số 41-TC/TDT ngày 15-02-1960 quy định thời hạn cuối cùng là 31-03-1961 và đã nhiều lần cử cán bộ đến các cơ quan để đôn đốc việc lập quyết toán nhưng đến tháng 5-1961 chưa có Bộ nào hoàn thành đầy đủ.

Thủ Tướng Chính phủ yêu cầu.

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ phải tích cực đôn đốc, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị và cơ quan trực thuộc căn cứ vào các chế độ Nhà nước đã ban hành và những điều quy định của Bộ Tài chính mà đẩy mạnh việc lập quyết toán, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và thời gian.

- Các đơn vị cơ quan, xí nghiệp cơ sở làm xong quyết toán phải gửi báo cáo lên cơ quan quản lý trực tiếp xét.

- Cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên tổng hợp quyết toán và báo cáo lên Bộ (hay cơ quan chủ quản trung ương).

- Các Bộ hay cơ quan chủ quản trung ương tổng hợp quyết toán của ngành và làm báo cáo gửi Hội đồng Chính phủ.

2. Các Ủy ban hành chính địa phương căn cứ vào tinh thần quy định trên đây và căn cứ vào thông tư số 44-TC/TDT ngày 23-12-1960 của Bộ Tài chính đã quy định mà tiến hành lập tổng quyết toán ngân sách địa phương chính xác và đúng thời hạn.

3. Hạn đến ngày 15-06-1960 là chậm nhất, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố,các khu tự trị phải lập xong báo cáo quyết toán gửi lên Thủ tướng Chính phủ; một bản gửi cho Bộ Tài chính.

4. Bộ Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu và xét các quyết toán của các Bộ, các ngành, các tổng quyết toán ngân sách địa phương, tổng hợp thành tổng quyết toán ngân sách Nhà nước trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt chậm nhất là ngày 15-07-1961.

Nhận được Chỉ thị này, các vị Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các vị Chủ tịch Ủy ban hành chính cần khẩn trương tập trung lực lượng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt quyết toán năm 1960 trong thời hạn đã quy định và đảm bảo chất lượng tốt.

 

 

TL. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG
 
 


Nguyễn Khang

 
 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 206-TTg năm 1961 về việc lập báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 1960 do Thủ tướng ban hành

  • Số hiệu: 206-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/05/1961
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Nguyễn Khang
  • Ngày công báo: 14/06/1961
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 10/06/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản