PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT |
Số: 204-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 1959 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC KHÍ TƯỢNG
Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố.
Trong công cuộc kiến thiết kinh tế đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, công tác khí tượng rất quan trọng, vì nó giúp rất nhiều cho việc lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, cho giao thông vận tải, cho xây dựng cơ bản, cho quốc phòng.
Yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, của lâm nghiệp, của nghề đánh cá và nghề muối đối với công tác khí tượng là phải dự báo thời tiết được kịp thời, chính xác và tiến lên dự báo dài hạn để phòng chống thiên tai, phải xác định những đặc điểm khí hậu chung của toàn miền Bắc và riêng của từng địa phương, từng vùng để xây dựng các quy hoạch sản xuất, phải nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết đối với cây cối, gia súc để góp phần cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gây rừng… Đi đôi với phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, công tác khí tượng phải được tổ chức xuống tận thôn xã để phục vụ cho việc quản lý sản xuất của các hợp tác xã.
Đối với công nghiệp, kiến trúc, công tác khí tượng phải cung cấp tài liệu khí hậu để giúp cho việc thiết kế các xí nghiệp, các công trình. Đối với giao thông, khí tượng phải phát hành các bản dự báo hàng không và hàng hải để bảo đảm việc đi lại trên mặt biển và cho hàng không. Các ngành quốc phòng như pháo binh, không quân, hải quân hàng ngày đều cần đến tình hình khí tượng.
Ngành Khí tượng Việt
Trong những nhiệm vụ chủ yếu nói trên, nhiệm vụ phục vụ cho nông nghiệp là quan trọng và cấp bách hơn hết.
Đối với những nhiệm vụ nêu trên, ngành Khí tượng sau 4 năm xây dựng chỉ mới thực hiện được một phần như: đã dự báo được tương đối chính xác các trận bão, các đợt gió mùa, đã cung cấp kịp thời các số liệu đo mưa để giúp cho công tác chống hạn, chống lụt, thỏa mãn một phần các ngành kinh tế quốc dân về tài liệu khí hậu. Nhưng dự báo thời tiết hàng ngày cũng như dự báo hàng hải chưa đủ chính xác, chưa làm được dự báo cụ thể cho từng địa phương, chưa làm được dự báo dài hạn. Tài liệu khí hậu thu thập được còn ít, chưa đủ phục vụ cho yêu cầu của các ngành. Việc điều tra nghiên cứu khí hậu địa phương và khí tượng nông nghiệp chưa làm được. Hệ thống đài trạm khí tượng còn thưa, một số tỉnh chưa có trạm, nhiều khu vực miền núi rất lớn ở đầu nguồn chưa có trạm đo mưa.
Nguyên nhân của tình hình nói trên về mặt khách quan là vì ngành Khí tượng mới xây dựng, kinh nghiệm ít, cán bộ thiếu, cơ sở chưa có nhiều, nhưng về mặt chủ quan là do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác khí tượng,chưa thấy trước yêu cầu ngày càng cao đối với công tác khí tượng. Một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa chú ý lãnh đạo công tác khí tượng, coi đó là một công tác khoa học kỹ thuật do trung ương phụ trách.
Do đó, công tác khí tượng hiện nay chỉ thu hẹp trong phạm vi của một số cán bộ ngành Khí tượng, không động viên được các tầng lớp nhân dân và cán bộ tham gia xây dựng, giúp đỡ. Nhân dân ta có nhiều kinh nghiệm khí tượng rất phong phú, các kinh nghiệm đó chưa được sưu tầm, chọn lọc và sử dụng. Về mặt tổ chức, việc tập trung quản lý các đài trạm khí tượng về Nha Khí tượng trung ương cũng làm cho các cơ sở đó tách rời sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, chỉ lo làm nhiệm vụ chuyên môn với trung ương mà không phát huy được hết khả năng sáng kiến của mình để phục vụ quần chúng, phục vụ sản xuất ở địa phương.
Trong lúc chờ đợi Trung ương có chỉ thị đầy đủ hơn về nhiệm vụ, phương châm đường lối cho công tác khí tượng, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Ủy ban Hành chính địa phương cần phải tiến hành một số công tác sau đây:
1. Phối hợp với Nha Khí tượng để nghiên cứu và thực hiện việc phân cấp quản lý các đài trạm khí tượng. Chỉ trừ một số đài lớn, còn tất cả các đài trạm khí tượng hiện nay sẽ lần lượt giao cho tỉnh, huyện quản lý.
2. Kiện toàn sự lãnh đạo chính trị đối với các cơ sở khí tượng ở địa phương dù là những cơ sở đó trung ương quản lý. Tăng cường giáo dục tư tưởng cho cán bộ. Trường hợp xét cần, đưa cán bộ chính trị có trình độ sang phụ trách.
3. Tích cực phát triển thêm mạng lưới đài trạm khí tượng ở địa phương. Tiến tới trong vòng 2 năm, mỗi huyện có một trạm. Việc huấn luyện cán bộ và cung cấp thiết bị lúc đầu sẽ do Trung ương phụ trách.
4. Chỉ đạo việc sưu tầm chọn lọc kinh nghiệm của nhân dân để sử dụng vào việc làm dự báo bổ sung cho địa phương. Cần khuyến khích giúp đỡ các đài trạm khí tượng thực hiện cho được công tác bổ sung dự báo này, đây là công tác phục vụ thiết thực cho địa phương hơn cả.
Trên đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ nêu một số vấn đề chính. Điều quan trọng là cấp ủy và Ủy ban địa phương phải thực sự lãnh đạo công tác khí tượng, làm cho công tác này đi đúng đường lối quần chúng để có thể phát huy hơn nữa tác dụng phục vụ đối với sản xuất, chủ yếu là nông nghiệp và đối với đời sống nhân dân.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHÚ |
Chỉ thị 204-TTg năm 1959 về tăng cường lãnh đạo công tác khí tượng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Số hiệu: 204-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/05/1959
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: 10/06/1959
- Số công báo: Số 21
- Ngày hiệu lực: 11/06/1959
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định