Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Bình Định, ngày 03 tháng 12 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ KHẮC PHỤC CẢNH BÁO CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU VỀ CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH

Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), trong thời gian vừa qua, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương ven biển, bước đầu đã đạt một số kết quả nhưng nhìn chung vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục.

Để triển khai thực hiện các quy định của EC nhằm tháo gỡ cảnh báo về khai thác IUU và thực thi Luật Thủy sản 2017, góp phần phát triển nghề cá bền vững, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các địa phương ven biển tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng và các địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại tỉnh Bình Định”.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tích cực về Luật Thủy sản 2017 và khai thác IUU trên báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương.

- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức rà soát, quản lý hiệu quả tàu thuyền khai thác thủy sản nhất là các phương tiện không đầy đủ thủ tục hoạt động khai thác; xây dựng quy chế quản lý tàu cá hoạt động khai thác ngoài tỉnh; thành lập tổ công tác lưu động đến các địa phương ven biển để tổ chức kiểm tra và đăng ký các tàu thuyền đủ điều kiện.

- Công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm khai thác IUU trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT; cung cấp tài liệu và phối hợp Công an tỉnh, Sở Tư pháp đề xuất hình thức xử lý vi phạm; tổ chức nâng cấp, xây mới hệ thống trạm bờ đủ khả năng tiếp nhận tin nhắn từ tàu cá hoạt động trên biển. Xây dựng quy chế quản lý thông tin theo quy định; tổ chức tốt việc chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành Thủy sản phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy) tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động tàu cá khai thác hải sản trên biển và tại cảng cá. Xử lý nghiêm các tàu thuyền không có hoặc có giấy tờ nhưng đã hết hạn đi hoạt động khai thác.

- Chỉ đạo các BQL cảng cá hoạt động đúng quy chế quản lý của cảng; xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác theo đúng quy định; tổ chức, sắp xếp hợp lý các khu neo đậu tàu thuyền; không cho tàu thuyền chưa đủ thủ tục theo quy định ra vào cảng; đảm bảo vệ sinh môi trường tại cảng cá; tổ chức lại các khu chức năng, các hộ kinh doanh đảm bảo gọn gàng, vệ sinh; bố trí đầy đủ hệ thống nước ngọt phục vụ công tác dọn rửa sản phẩm. Tổ chức đảm bảo việc tiếp nhận thông tin liên lạc của chủ tàu/ thuyền trưởng ít nhất 01 giờ trước khi tàu cập cảng.

- Văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá chỉ đạo và phân công trực tại 03 cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, bến Tam Quan 24/24 giờ theo quy định; cấp phát, thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; kiểm soát tàu thuyền xuất, nhập bến theo Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Tiếp tục triển khai, thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá Việt Nam theo hướng tích hợp các thông tin về đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác và sản lượng lên bến để quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác.

2. UBND các huyện ven biển và UBND thành phố Quy Nhơn

- Thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại tỉnh Bình Định”

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn rộng rãi đến cộng đồng ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng, các cơ sở Cảng cá, bến cá về các quy định mới về Luật Thủy sản 2017; các chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của UBND tỉnh về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức ngư dân nâng cấp và lắp mới máy HF VX-1700 cho tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m đảm bảo thực hiện nhắn tin tự động về trạm bờ theo quy định.

- Rà soát, thống kê tàu thuyền chưa đăng ký, thiếu giấy tờ tại địa phương; lập danh sách tàu thuyền có điều kiện hoàn tất thủ tục giấy tờ gởi về Sở Nông nghiệp và PTNT để chỉ đạo Chi cục Thủy sản cấp lại theo quy định.

- Tổ chức kiểm điểm trước dân, xử phạt hành chính đối với chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Gắn trách nhiệm của Đảng ủy, UBND xã, phường đối với việc tàu cá và ngư dân vi phạm; đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm của Đảng ủy và chính quyền địa phương cấp xã, phường. Trước ngày 15/12/2018, có phương án xử lý các tàu cá trong danh sách do Cục Kiểm ngư và Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân cảnh báo, 22 tàu đã bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

- UBND thành phố Quy Nhơn có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, xử lý các hộ dân Phường Hải Cảng sống xung quanh khu vực cảng cá (khu nhà rầm), các tàu cá trong khu neo đậu trong khu vực không được xả rác thải, chất bẩn vào vùng nước của cảng.

- UBND huyện Hoài Nhơn có trách nhiệm thực hiện đảm bảo vệ sinh mặt nước khu vực dân cư xung quanh 19 bến cá, không để tình trạng rác thải gây ô nhiễm vùng nước cảng cá Tam Quan.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng yêu cầu các thuyền trưởng tàu cá khai thác hải sản xa bờ viết cam kết không đưa tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, nhập bến; không cho tàu thuyền ra khơi khi không có đầy đủ thủ tục, trang thiết bị thông tin, trang bị an toàn; khi tàu về bến phải phối hợp Văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá kiểm tra việc ghi chép nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản chuyến biển, việc chủ tàu/thuyền trưởng thông báo với cảng cá ít nhất 01 giờ trước khi tàu vào cảng.

- Phối hợp cùng với lực lượng Thanh tra chuyên ngành Thủy sản, Công an đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động tàu cá khai thác hải sản trên biển và tại cảng cá theo quy định. Xử lý nghiêm các tàu thuyền không có hoặc có giấy tờ nhưng đã hết hạn đi hoạt động khai thác.

- Thông báo cho Sở Nông nghiệp và PTNT số liệu về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm pháp luật về thủy sản (trong đó có thông tin về xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU) vào ngày 20 hàng tháng để Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp báo cáo theo quy định.

- Chủ trì và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến biên giới quốc gia và các Hiệp ước, Hiệp định về biển, đảo của Việt Nam với các nước có biển lân cận cho các đối tượng có liên quan.

4. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp cùng với lực lượng Thanh tra chuyên ngành Thủy sản, Biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng. Xử lý nghiêm các trường hợp tàu thuyền không đảm bảo thủ tục hoạt động khai thác.

- Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác; xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm; các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài.

- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng xác minh nhân thân của các ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý để phục vụ công tác bảo hộ, sớm đưa ngư dân về nước, hạn chế phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra.

- Quản lý chặt chẽ số ngư dân được nước ngoài trả về, phát hiện và xử lý các trường hợp bị nước ngoài hoặc các thế lực thù địch tác động, mua chuộc, lôi kéo hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

5. Sở Ngoại vụ

- Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xác minh nhân thân ngư dân, báo cáo Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nhằm kịp thời thực hiện công tác bảo hộ công dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ hoặc gặp nạn trên biển.

- Cập nhật, tổng hợp quy định mới của các nước về việc đánh bắt, xử phạt các trường hợp xâm phạm vùng biển của các nước bạn để phối hợp thông tin, tuyên truyền nhằm cảnh báo, nâng cao nhận thức ngư dân của tỉnh.

- Làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân nộp tiền vào Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài để mua vé máy bay và các chi phí khác trong quá trình đưa ngư dân về nước khi chấp hành xong hình phạt.

6. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình và Báo Bình Định nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội về một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

- Thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kịp thời đưa tin phản ánh gương người tốt, việc tốt hoặc đấu tranh phê phán hoạt động khai thác hải sản trái phép không theo quy định của IUU.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện ven biển và Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả cho Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT (để báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND (để báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Ngoại vụ, TT và TT;
- Công an tỉnh;
- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Báo BĐ, Đài PT-TH B.Định;
- UBND các huyện ven biển và UBND thành phố Quy Nhơn;
- CVP, PVPKT;
- Lưu VT, K13 (35b).

CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2018 thực hiện giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 20/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản