Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Thái Bình, ngày 26 tháng 07 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI.

Những năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế. Giai đoạn 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hàng năm trên 800 tỷ đồng. Năm 2016, bệnh dại đã xảy ra tại 28 tỉnh, thành phố làm 91 người chết và 411.937 người phải đi điều trị dự phòng; riêng trong 05 tháng đầu năm 2017 đã có 23 người tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố.

Tại Thái Bình, theo báo cáo của các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016 số người trong tỉnh bị động vật cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng là 413 người; 6 tháng đầu năm 2017 là 360 người, đã có 01 người bị chó cắn phát dại và tử vong. Kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó mèo còn rất thấp, trung bình hàng năm chỉ được từ 55.000 - 58.000 liều vắc xin, thậm chí có những xã chỉ được 10-20 liều vắc xin; năm 2016 tiêm được 60.727 con (đạt 15,93% tổng đàn chó, mèo), 6 tháng đầu năm 2017 tiêm được 65.415 con (đạt 17,16% tổng đàn chó, mèo).

Để chủ động phòng, chống bệnh dại ở đàn chó, mèo có hiệu quả; thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương, Công an, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; đề nghị Báo Thái Bình, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tỉnh tập trung triển khai một số nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật. Chỉ đạo kiểm kê, rà soát tổng đàn chó, mèo hiện có; thống kê số chó, mèo còn chưa được tiêm phòng vắc xin dại, khẩn trương tiêm phòng bổ sung bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định.

- Tăng cường, củng cố, nâng cao chất lượng công tác giám sát và báo cáo dịch bệnh dại tại cơ sở, bảo đảm giám sát tới từng hộ chăn nuôi. Tổ chức lập sổ đăng ký nuôi chó và ký cam kết với các hộ nuôi chó về việc khai báo khi nuôi hoặc có biến động đàn chó nuôi, nuôi nhốt hoặc xích, không thả rông, chó phải đeo rọ mõm hoặc xích và có người dắt mới đưa ra nơi công cộng, chấp hành tiêm phòng đầy đủ vắc xin dại theo quy định. Công khai các hộ nuôi chó nhưng không tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo, nhất là chó, mèo nhập về các địa phương, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh dại theo quy định.

- Người đứng đầu các địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn quản lý. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại tại các huyện, thành phố; thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng chống bệnh dại và đặc biệt là công tác tiêm phòng bệnh dại tại các huyện, thành phố; báo cáo kết quả thực hiện và có biện pháp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

- Hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng vắc xin dại cho hệ thống thú y cơ sở. Tổng hợp báo cáo kết quả tiêm phòng và các phát sinh trong quá trình tiêm phòng vắc xin dại tại cơ sở theo quy định.

- Thực hiện kiểm dịch vận chuyển lưu thông chó, mèo trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

- Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch, để đáp ứng đủ yêu cầu trong mọi tình huống dịch bệnh xảy ra.

- Phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh; kiểm tra, xác minh và xử lý triệt để dịch bệnh khi phát hiện có chó mèo nghi mắc bệnh dại.

- Phối hợp với Báo Thái Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình và các cơ quan liên quan trong công tác thông tin và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật.

- Tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị của các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội khác.

- Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình: Tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh dại và các biện pháp phòng chống. Phối hợp với cơ quan chuyên môn và các địa phương tích cực đưa tin, bài, phóng sự về công tác phòng chống dịch bệnh dại, biểu dương những địa phương, cá nhân làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin dại.

- Sở Y tế: Tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa cơ quan thú y và y tế trong phòng, chống bệnh dại được ban hành theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế; chia sẻ thông tin về bệnh dại, phối hợp với các địa phương trong công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ca bệnh dại ở động vật, hướng dẫn xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng cho người bị chó cắn; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

- Sở Công thương, Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển chó mèo trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

- Các tổ chức chính trị xã hội có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn và các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại, tăng cường tuyên truyền để các thành viên, hội viên tích cực tham gia công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo tại cơ sở.

Nhận Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương, Công an, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; đề nghị Báo Thái Bình, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện và định kỳ gửi báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương, Công an, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên;
- Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NNTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Diên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2017 về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh dại do tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 20/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Nguyễn Hồng Diên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản