Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ thị:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể Thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời nội dung Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn, đơn vị mình.

2. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã:

2.1. Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm giữa các cấp chính quyền, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hoạt động chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã: Tổ chức, triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương; xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác nông lâm thủy sản an toàn, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi; quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng các mô hình kinh doanh thức ăn đường phố; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể xây dựng tại chỗ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Nội vụ, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan: Tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực cho các Chi cục: An toàn thực phẩm, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Quản lý thị trường và các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm tuyến Thành phố; củng cố và nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm tại tuyến quận, huyện và tuyến xã, phường; phối hợp quy hoạch, xây dựng hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm theo hướng tập trung, hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tế.

3. Các sở, ngành khác chủ động phối hợp và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tổ chức triển khai các biện pháp phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường công tác giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và quần chúng hưởng ứng, tham gia triển khai các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng.

5. Định kỳ hằng năm, UBND Thành phố sẽ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và tiến hành khen thưởng, đề xuất cấp trên khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Giao Sở Y tế phối hợp với Ban thi đua khen thưởng - Sở Nội vụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc và đề xuất thi đua, khen thưởng trong việc triển khai thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cũng như quá trình thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố để báo cáo Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- TT TU, TT HĐND TP; (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo)
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành TP;
- UBND các Q, H, TX;
- Đài PTTH HN, Báo HNM, KTĐT, ANTĐ, Phân xã HN;
- CPVP UBND TP;
- Phòng VX, NN, CT, TH;
- Lưu: VT, VXTh.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2014 tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 20/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/12/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản