Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 20/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 5 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26/HĐBT NGÀY 15-2-1984 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC THANH TRA VÀ NÂNG CAO HIỆU LỰC CÔNG TÁC THANH TRA

Nhận rõ vị trí quan trọng của công tác thanh tra là góp phần thúc đẩy việc chấp hành nghiêm chỉnh và có hiệu quả các chủ trương chánh sách của Đảng và Nhà nước. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, ngành Thanh tra thành phố là một trong những ngành được thành lập sớm nhất có hệ thống đến quận, huyện, phường, xã. Đến nay 18 quận, huyện đều có Ủy ban Thanh tra Nhà nước, 24 Sở, Ban, Ngành có Ban Thanh tra. 98,7% số phường, xã, thị trấn và 75% số đơn vị cơ sở trong khu vực Nhà nước có thành lập Ban Thanh tra Nhân dân.

Mấy năm qua, ngành Thanh tra thành phố đã từng bước trưởng thành, đạt nhiều thành tích lớn và ngày càng phát huy tác dụng, góp phần tích cực vào công việc chung của thành phố. Tuy nhiên, do nhận thức chung về nhiệm vụ thanh tra chưa đầy đủ, do tổ chức bộ máy chưa tương xứng với nhiệm vụ, do công tác phối hợp với các ngành chưa chặt chẽ… nên công tác thanh tra còn bị nhiều hạn chế.

Để đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ chánh trị đặt ra của cả nước, nhằm tăng cường tổ chức và nêu cao hiệu lực công tác thanh tra, ngày 15-2-1984 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị quyết số 26/HĐBT; ngày 25-2-1984 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 38/CT-TƯ.

Để thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản trên, nâng cao hiệu lực công tác thanh tra ở thành phố, tương xứng với yêu cầu được đặt ra, Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trương :

1. Tổ chức việc nghiên cứu, quán triệt các văn bản về công tác thanh tra trong lãnh đạo các ngành các cấp và trong các cán bộ ngành thanh tra, kết hợp với việc kiểm điểm công tác và đề ra chương trình hành động của ngành thanh tra.

- Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố tích cực chuẩn bị để tổ chức hội nghị Thanh tra thành phố theo nội dung trên và qua đó rút kinh nghiệm lập kế hoạch chỉ đạo các ngành, các quận, huyện tổ chức hội nghị trong từng ngành, từng cấp.

- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp và Thủ trưởng các ngành cần tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và sự hỗ trợ của các đoàn thể tổ chức tốt hội nghị nói trên, đạt cho được các yêu cầu : nâng cao nhận thức, xác định vai trò, vị trí công tác thanh tra, khẳng định trách nhiệm của ngành cấp mình trong công tác thanh tra, kế hoạch cũng cố ngành thanh tra và chương trình hoạt động thanh tra trong nhũng năm 1984-1985 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố.

- Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố phối hợp với Ban Tuyên huấn thành ủy chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên đưa tin, tuyên truyền về công tác thanh tra, giao dục nâng cao ý thức và trách nhiệm đối với công tác thanh tra.

- Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố làm việc với Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tổ chức chánh quyền thành phố có đề án cụ thể trình Thường vụ thành ủy và Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố, về điều kiện tổ chức, tăng cường cán bộ cho Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố, đồng thời hướng dẫn các quận, huyện, các ngành về việc cũng cố toàn bộ hệ thống thanh tra thành phố.

- Căn cứ vào sự hướng dẫn của Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố, Ủy ban Nhân dân quận huyện và Thủ trưởng các ngành kiện toàn cơ quan thanh tra của ngành cấp mình theo Nghị quyết số 26 của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 58/QĐ-UB ngày 17-4-1978 của Ủy ban Nhân dân thành phố về cơ cấu, về số lượng và chất lượng cán bộ.

2. Kiện toàn củng cố Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố, quận, huyện, Ban thanh tra ngành và cơ sở, tương xứng với nhiệm vụ, theo đúng quy định của Hội đồng Bộ trưởng

Theo Nghị quyết số 26 của Hội đồng Bộ trưởng, tổ chức thanh tra phải hình thành một hệ thống, có sự quản lý, chỉ đạo thống nhất. Tại thành phố, hệ thống thanh tra được tổ chức theo 3 cấp chánh quyền: thành phố, quận, huyện, phường xã, thị trấn. Ban tổ chức chánh quyền và Ủy ban thanh tra Nhà nước phối hợp cùng các cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền quận huyện, ngành sở xem xét dự kiến, đề nghị với cấp ủy và lãnh đạo chánh quyền cùng cấp kế hoạch cũng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra theo đúng quy định của ban bí thư, Hội đồng Bộ trưởng và Thành ủy, đảm bảo đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn chất lượng, cụ thể là :

- Chủ nhiệm Ủy ban thanh tra Nhà nước quận, huyện là quận, huyện Ủy viên và là thành viên của Ủy ban Nhân dân quận huyện. Biên chế Ủy ban thanh tra Nhà nước quận, huyện có từ 9 đến 11 người.

Ban thanh tra của các ban, ngành, sở có Trưởng ban hoặc 2 Phó ban, Trưởng ban Thanh tra là một đồng chí lãnh đạo hoặc một cán bộ tương đương. Biên chế cho Ban thanh tra ban, ngành, sở từ 9 đến 13 người.

- Ban Thanh tra nhân dân phường xã, thị trấn do Hội nghị liên tịch giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể lựa chọn, thông qua Hội đồng Nhân dân cùng cấp, được Ủy ban Nhân dân Quận, huyện công nhận và cấp giấy chứng nhận hoạt động. Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân là 2 năm (như nhiệm kỳ của Hội đồng Nhân dân phường, xã). Thành viên của Ban Thanh tra Nhân dân từ 9 đấn 15 người. Trưởng ban Thanh tra Nhân dân là đồng chí Thường vụ hoặc là cấp Ủy viên đồng thời là thành viên của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Mỗi ban Thanh tra nhân dân phường xã, thị trấn có một định xuất.

- Ban thanh tra nhân dân của các đơn vị cơ sở trong khu vực Nhà nước do Hội nghị công nhân viên chức bầu ra, nhiệm kỳ 2 năm, do Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị cơ sở (ban, ngành, sở, công ty, LHXN… trực thuộc thành phố) công nhận và cấp giấy chứng nhận hoạt động. Thành viên Ban Thanh tra Nhân dân có từ 9 đến 15 người.

3. Thường xuyên rút kinh nghiệm và tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh tra :

Để hoạt động thanh tra được tiến hành thuận lợi, các kết luận thanh tra được chính xác, cán bộ thanh tra phải luôn luôn được bồi dưỡng học tập về quan điểm đường lối của Đảng, thông suốt chủ trương chính sách của Nhà nước và có phương pháp công tác tốt; Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố cần có kế hoạch chỉ đạo thường xuyên rút kinh nghiệm sau từng đợt công tác, kết hợp với trường Hành chánh thành phố, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ thanh tra các ngành, các cấp.

Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố là cơ quan chức năng, là cơ quan tham mưu giúp Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo toàn bộ các hoạt động thanh tra của thành phố, có trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện tốt chỉ thị này, thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả về Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/CT-UB thực hiện Nghị quyết 26/HĐBT về tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực công tác thanh tra do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 20/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/05/1984
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Quang Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản