Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2006/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 08 tháng 6 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC KỶ NIỆM 59 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7 (27/7/1947 – 27/7/2006)

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT/TW ngày 01/03/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Thương binh Liệt sĩ, Người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn mới. Nhằm thực hiện tốt việc tổ chức kỷ niệm 59 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm 2006, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Các cơ quan Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình phối hợp với Sở Lao động – Thương binh Xã hội và các Sở, Ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước về ý nghĩa ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và sự hy sinh cao cả của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc. Biểu dương những thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu vượt khó vươn lên trong cuộc sống, cũng như những cá nhân, đơn vị, địa phương đã tham gia thực hiện tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương.

2. Tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các chế độ chính sách mới đối với người có công với nước theo quy định của Nhà nước, nhằm sớm đưa chế độ ưu đãi đến với các đối tượng, tránh tình trạng chính sách ban hành đã lâu mà đối tượng không biết để lập hồ sơ hưởng chế độ.

3. Kiểm tra, rà soát việc giải quyết các hồ sơ chính sách còn tồn đọng ở các địa phương. Những trường hợp đúng đối tượng, đủ các điều kiện theo quy định thì hướng dẫn đối tượng hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận. Tổ chức thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc vận dụng giải quyết một số trường hợp chính sách còn tồn đọng.

4. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội  kiểm tra lại tình hình nhà ở của các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở còn tồn sót, hoặc mới được công nhận, hay đã được hỗ trợ nhưng đến nay đã xuống cấp mà gia đình không có khả năng về kinh phí để sửa chữa, để có kế hoạch trình UBND cùng cấp tổ chức vận động hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở cho phù hợp. Vận động, giải thích để những gia đình chính sách đã được hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở cùng có trách nhiệm trong việc gìn giữ, tu bổ, sửa chữa nhà ở để sử dụng được lâu dài.

5. Rà soát việc mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách thuộc diện quy định của Trung ương và quy định tại công văn số 2393/UB.VX ngày 30/5/2005 của UBND tỉnh Bình Dương để các đối tượng chính sách có điều kiện khám chữa bệnh. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên những gia đình chính sách ốm đau đang điều trị tại các bệnh viện hoặc ở gia đình từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” (hoặc nguồn quỹ khác) mà địa phương vận động được nhằm thể hiện sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, chính quyền và địa phương đối với các gia đình có công với nước.

6. Kiểm tra tình hình thực hiện phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; mở rộng phong trào vận động đỡ đầu cho thương binh, gia đình liệt sĩ khó khăn neo đơn hoặc thuộc diện hộ nghèo. Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác chính sách đối với người có công với nước, nhất là đời sống đối với những hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo cần kiểm tra lập danh sách để có biện pháp giúp đỡ hoặc đề xuất hỗ trợ để những gia đình này có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, nhằm giữ vững danh hiệu “Xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ – người có công”. Tiếp tục xem xét đề nghị công nhận những xã mới tách đạt danh hiệu “Xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ – người có công”.

Bình chọn những thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu để tỉnh công nhận đạt danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”, cũng như khen thưởng những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

7. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” (thực hiện hàng năm vào dịp ngày thương binh liệt sĩ 27/7) để hỗ trợ cho đối tượng chính sách khó khăn xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, tu bổ các công trình tưởng niệm liệt sĩ và hỗ trợ các đối tượng chính sách khó khăn, đau yếu…theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ về việc Ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

8. Thực hiện tốt công tác quy tập mộ liệt sĩ và tổ chức chăm sóc, tôn tạo làm sạch đẹp các Bia, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ chuẩn bị phục vụ cho lễ viếng nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7.

9. UBND các huyện, thị xã tuỳ theo điều kiện của địa phương tổ chức họp mặt thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với nước.

10. Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các yêu cầu trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện theo ngành và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/2006/CT-UBND tổ chức kỷ niệm 59 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 (27/7/1947 – 27/7/2006) do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 20/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/06/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản