THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2006/CT-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 2006 |
VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Công an nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Luật Công an nhân dân là một đạo luật quan trọng quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân.
Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của lực lượng Công an nhân dân, cán bộ, nhân dân; bảo đảm Luật Công an nhân dân được thực thi trên thực tế, tạo sự chuyển biến trong hoạt động của lực lượng Công an nhân dân nói riêng và công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các công việc sau đây:
1. Bộ Công an
a) Khẩn trương tổ chức việc tập huấn chuyên sâu về Luật Công an nhân dân, bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội cho cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo Công an các cấp và cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị làm công tác xây dựng lực lượng;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân cho cán bộ, công chức và nhân dân bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, thuận tiện cho việc thực hiện luật được thống nhất;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, Ban, ngành liên quan sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân; Nghị định về cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân; Nghị định quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành liên quan kiểm tra, rà soát để điều chỉnh bổ sung hoặc xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế quy định phạm vi trách nhiệm hoạt động và quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an với các Bộ, ngành, trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
2. Bộ Quốc phòng
Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà soát xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định phạm vi trách nhiệm hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ với Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
3. Bộ Văn hoá - Thông tin
Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương tuyên truyền Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong cán bộ và nhân dân.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng và triển khai kế hoạch đưa nội dung giới thiệu về Luật Công an nhân dân vào nội dung giáo dục bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân theo từng cấp học.
5. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định dự toán chi an ninh thường xuyên hàng năm cho Bộ Công an và các địa phương, trong đó có kinh phí tập huấn triển khai thực hiện Luật Công an nhân dân theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Công an nhân dân, gắn việc triển khai thi hành Luật Công an nhân dân với việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới nhằm nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thuộc quyền thực hiện tốt các nhiệm vụ, biện pháp phối hợp hỗ trợ lực lượng Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đưa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội vào chương trình, kế hoạch và các hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức;
c) Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, có kế hoạch đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, huy động nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo đề nghị của Bộ Công an.
7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006.
Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Chỉ thị 20/2006/CT-TTg thi hành Luật Công an nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 20/2006/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/06/2006
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: 24/06/2006
- Số công báo: Từ số 26 đến số 27
- Ngày hiệu lực: 01/07/2006
- Ngày hết hiệu lực: 03/01/2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực