THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2003/CT-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2003 |
Trong những năm qua thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực nhằm đấu tranh, ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ sản xuất, trật tự an toàn xã hội, quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số tỉnh phía Bắc như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... xuất hiện tình trạng các chủ đầu nậu lợi dụng thương, bệnh binh, người tàn tật để vận chuyển một khối lượng lớn hàng nhập lậu một cách công khai về Hà Nội hoặc đi các địa phương khác. Việc làm trên đã hạn chế khả năng kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, làm cho tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu vốn đã phức tạp càng trở nên phức tạp hơn, đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Nguyên nhân của tình trạng trên là:
- Công tác tuyên truyền vận động thuyết phục nhân dân, nhất là thương, bệnh binh, người tàn tật không tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu còn yếu, chưa làm thường xuyên; tác dụng rất hạn chế.
- Các ngành, các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh chưa làm tốt công tác kiểm tra, ngăn chặn, nhất là khi các đối tượng buôn lậu lợi dụng thương, bệnh binh, người tàn tật để công khai vận chuyển hàng lậu, chưa kịp thời huy động các lực lượng kiểm tra, xử lý hoặc nếu xử lý thì thiếu kiên quyết, không triệt để.
- Một số địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, các lực lượng chức năng quản lý chưa chặt chẽ, chưa phối hợp chặt chẽ, còn để các chủ đầu nậu lợi dụng làm nơi chứa chấp và phát luồng hàng nhập lậu đi các nơi tiêu thụ.
Để khắc phục những thiếu sót, yếu kém và giải quyết dứt điểm tình trạng lợi dụng thương, bệnh binh, người tàn tật vận chuyển hàng lậu trên, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực hoặc bị lợi dụng khác có thể xảy ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nghiêm túc thực hiện một số việc cụ thể sau:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
- Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và các đoàn thể quần chúng, đồng thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức khác nhau tuyên truyền, vận động sâu rộng thương, bệnh binh, người tàn tật không tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu.
- Chỉ đạo các cấp chính quyền thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước của mình. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp từ xã, phường chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp nếu để thương, bệnh binh, người tàn tật trên địa bàn tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu.
Yêu cầu Uỷ ban nhân dân các xã, phường nắm vững tình hình thương, bệnh binh trên địa bàn đã hoặc đang tham gia vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng nhập lậu, có biện pháp thiết thực giúp đỡ và vận động nhân dân cùng giúp đỡ thương, bệnh binh, người tàn tật nói chung, đặc biệt đối với những thương, bệnh binh, người tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; dựa vào các tổ chức, đoàn thể phát động nhân dân cùng thương, bệnh binh ký cam kết không buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu hoặc không tái phạm đối với các đối tượng đã vi phạm pháp luật; vận động những thương, bệnh binh tốt, điển hình tham gia đấu tranh với các đối tượng vi phạm.
2. Các cơ quan thông tin báo chí, đài phát thanh, truyền hình tăng thêm dung lượng, những trang, mục về vấn đề này, nêu bật những gương điển hình, những việc làm tốt của thương, bệnh binh, người tàn tật vượt khó, làm giầu chính đáng; đồng thời, nêu cả những việc làm chưa tốt, vi phạm pháp luật của số ít cá nhân thương, bệnh binh, người tàn tật để giáo dục, phòng ngừa.
3. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp chủ trì cùng lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác hình thành các tổ chức lực lượng đủ mạnh, đánh trúng vào các chủ đầu nậu, các đường dây, ổ nhóm buôn lậu ở những địa bàn phát luồng và nơi tàng trữ hàng lậu, không để bọn buôn lậu lợi dụng thương, bệnh binh và người tàn tật vận chuyển, chứa chấp hàng lậu. Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm, kiên quyết các đối tượng giả danh thương, bệnh binh sử dụng phương tiện tự chế để tham gia vận chuyển hàng lậu. Phân biệt rõ chủ đầu nậu, loại lái xe, áp tải là thương, bệnh binh, vận chuyển thuê cho chủ hàng để phân hóa đấu tranh, khai thác, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Thông báo cho chính quyền địa phương nơi các đối tượng vi phạm đang cư trú để phối hợp quản lý và giáo dục.
5. Ban Chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức việc phối hợp giữa các địa phương và các lực lượng hữu quan tại các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh.
6. Bộ Thương mại có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên tổ chức triển khai những biện pháp đồng bộ; tích cực hỗ trợ các lực lượng chức năng để tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.
7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo .
| Vũ Khoan (Đã ký) |
Chỉ thị 20/2003/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách giải quyết tình trạng lợi dụng thương, bệnh binh, người tàn tật vận chuyển, buôn bán hành lậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 20/2003/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/09/2003
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Vũ Khoan
- Ngày công báo: 15/09/2003
- Số công báo: Số 152
- Ngày hiệu lực: 30/09/2003
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết