Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2000/CT-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/CP NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 1994 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong những năm qua, các Bộ, ngành, các địa phương đã quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị định số 19/CP ngày 12 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về công tác quốc phòng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên việc thực hiện Nghị định số 19/CP của Chính phủ còn một số khuyết nhược điểm cần phải khắc phục: thế trận quốc phòng toàn dân chưa mạnh, chưa vững chắc; chất lượng Dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên còn yếu; công tác chuẩn bị động viên quân đội chưa thành nề nếp; hiệu lực quản lý Nhà nước về quốc phòng, năng lực làm tham mưu của cơ quan quân sự địa phương và ở các Bộ, ngành còn nhiều hạn chế.

Để tiếp tục thực hiện Nghị định số 19/CP ngày 12 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ đạt hiệu quả cao hơn, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện những nội dung sau:

1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ các cấp và của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống :

Phải giáo dục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và thế hệ trẻ. Kết hợp giáo dục tập trung ở các lớp với giáo dục thường xuyên bằng nhiều hình thức, làm cho mọi cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành và nhân dân có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về việc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân. Kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế, phối hợp chặt chẽ các hoạt động quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thấy rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Từ đó nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đề cao ý thức cảnh giác cách mạng, xác định rõ trách nhiệm, trước hết là của đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng thuộc trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược "diễn biến hoà bình" bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.

2. Đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước :

Tăng cường xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, làm nền tảng của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, coi trọng xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Tập trung chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, đặc biệt là ở tuyến biên giới, biển, đảo và các địa bàn trọng điểm ở nội địa. Nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và đối phó có hiệu quả với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống. Giải quyết tốt tình hình an ninh ở cơ sở, các vụ khiếu kiện, tố cáo và mâu thuẫn trong nội bộ, nhất là những điểm nóng; xử lý kịp thời và có hiệu quả các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để chia rẽ đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các Bộ, ngành, địa phương cần nắm vững và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch A, triển khai xây dựng cụ thể kế hoạch B của các ngành, các cấp, trước hết là đối với các Bộ, ngành Trung ương. Các cấp, các ngành, các địa phương phải thể hiện rõ sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với quốc phòng trong xây dựng và thực hiện các dự án dài hạn, ngắn hạn, các dự án liên doanh, các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong điều chỉnh bố trí dân cư, xây dựng củng cố bến cảng, sân bay, đường giao thông thủy, bộ, chú trọng phát triển giao thông nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế - quốc phòng trên từng địa bàn cụ thể. Kết hợp thực hiện tốt các chính sách xã hội với chính sách hậu phương quân đội... Coi trọng xây dựng tiềm lực và nguồn bảo đảm để đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

3. Xây dựng, nâng cao sức mạnh tổng hợp, tạo bước phát triển mới về chất lượng và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương :

Các Bộ, ngành và các địa phương phải chăm lo xây dựng để nâng cao sức mạnh chiến đấu toàn diện. Xây dựng cơ quan quân sự địa phương, cơ quan và cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng ở các Bộ, ngành với chất lượng tốt, đủ sức làm tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy thực hiện công tác quốc phòng trong thời kỳ mới.

Xây dựng Bộ đội địa phương đủ số lượng, có chất lượng. Tổ chức huấn luyện cho từng đối tượng theo đúng nội dung chương trình quy định sát với tình hình nhiệm vụ địa bàn hoạt động, phù hợp với sở trường cách đánh của từng lực lượng.

Nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng Dân quân tự vệ theo quy định của Pháp lệnh về Dân quân tự vệ, nhất là chất lượng về chính trị. Duy trì số lượng, quy mô tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực sự là lực lượng nòng cốt xung kích trong phòng, chống thiên tai ở cơ sở.

Duy trì huấn luyện và quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên, quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật. Xây dựng đội ngũ sĩ quan dự bị, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch động viên, huấn luyện diễn tập từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ sĩ quan dự bị và các đơn vị dự bị động viên. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và công tác tuyển sinh quân sự hàng năm, có chính sách ưu tiên đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Tổ chức sơ kết việc thực hiện Pháp lệnh về Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên, rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong năm 2001, tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện hai Pháp lệnh trên ở cấp Quân khu và trong toàn quốc.

4. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quốc phòng và tăng cường quản lý Nhà nước về công tác quốc phòng.

Bộ Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan giúp Chính phủ nghiên cứu soạn thảo mới, bổ sung, sửa đổi các văn bản về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương cho phù hợp với tình hình mới.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác quốc phòng ở các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu" đã được xác định trong Nghị quyết số 02/BCT ngày 30 tháng 7 năm 1987 của Bộ Chính trị.

Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc ở cấp mình. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện công tác quốc phòng lên Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng, thời gian theo quy định của Bộ Quốc phòng).

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/2000/CT-TTg thực hiện Nghị định 19/CP về công tác quốc phòng trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 20/2000/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/10/2000
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 41
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản