Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND | Khánh Hòa, ngày 05 tháng 12 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2022 VÀ ĐẦU NĂM 2023
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật: (i) Bệnh Cúm gia cầm (CGC) đã xảy ra 40 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 21 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 93.000 con gia cầm; (ii) Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy trên 1.150 ổ dịch tại 51 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 53.000 con lợn; (iii) Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trâu, bò xảy ra trên 240 ổ dịch tại 16 tỉnh, với 2.255 con trâu, bò mắc bệnh, 442 con bị chết và tiêu hủy; (iv) Bệnh Lở mồm long móng (LMLM) gia súc đã xảy ra 16 ổ dịch tại 07 tỉnh với 518 con gia súc mắc bệnh; (v) Bệnh Dại động vật đã xảy ra 135 ổ dịch bệnh Dại động vật, buộc tiêu hủy 174 con chó, mèo tại 16 tỉnh; đặc biệt bệnh Dại đã làm 52 người tử vong tại 21 tỉnh, thành phố.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2022 đến nay đã xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật: (i) Bệnh DTLCP xảy ra tại 22 hộ, 08 xã, 05 huyện (Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh và Khánh Vĩnh), số lượng lợn chết, bệnh buộc tiêu hủy là 701 con với khối lượng 27.035,8 kg; (ii) Bệnh CGC xảy ra tại 01 hộ, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tổng số gia cầm mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 3.000 con vịt; (iii) Bệnh VDNC xảy ra tại 06 hộ, 04 xã, 03 huyện (Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh) làm 08 con bò mắc bệnh, trong đó chết 04 con với khối lượng tiêu hủy là 278 kg.
Nhận định nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất cao vì một số lý do: (i) Thời tiết diễn biến cực đoan thay đổi bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lân và gây bệnh; (ii) Nhu cầu giao thương buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh; (iii) Điều kiện chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi nông hộ còn hạn chế, tình hình chăn, thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn phổ biến; (iv) Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao như các chủng vi rút Cúm gia cầm A/H5 (H5N1, H5N6...); vi rút gây bệnh DTLCP tồn tại lâu dài ở ngoài môi trường; vi rút gây bệnh VDNC có khả năng lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của UBND tỉnh; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Chỉ đạo UBND cấp xã và cơ quan liên quan nhanh chóng tổ chức tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục trên địa bàn; Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: CGC, LMLM, VDNC.
b) Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ cơ sở chăn nuôi trên địa bàn; tăng cường chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là các khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện và xử lý sớm các loại dịch bệnh mới xuất hiện không để lây lan ra diện rộng. Trường hợp phát hiện trường hợp gia súc, gia cầm nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm phải phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, đặc biệt chú ý các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bệnh CGC, DTLCP, VDNC trâu, bò, LMLM gia súc. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến dịch lây lan làm thiệt hại kinh tế, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.
c) Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bệnh CGC, DTLCP, VDNC trâu, bò và LMLM gia súc; Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh là chính; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài trung gian truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài côn trùng; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
d) Tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2022 trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/12/2022 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.
đ) Chỉ đạo UBND cấp xã bố trí đầy đủ nhân viên thú y (chức danh cán bộ không chuyên trách) đúng trình độ chuyên môn theo quy định tại Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 05/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên Thú y xã, phường, thị trấn và hướng dẫn phối hợp công tác quản lý chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; chú trọng chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.
e) Thành lập Đoàn công tác gồm UBND cấp huyện, Công an, Quản lý thị trường, Trạm Chăn nuôi và Thú y kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh động vật; tình hình vận chuyển, giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Cấp phát, phân bổ hóa chất nguồn ngân sách cấp tỉnh; phối hợp với địa phương triển khai kế hoạch tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2022 trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/12/2022.
b) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao để cảnh báo, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện; phối hợp chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng. Hướng dẫn nhân viên thú y cấp xã, người chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe động vật nuôi, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.
c) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chủ động phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; cung ứng, buôn bán các loại vắc xin, thuốc thú y không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật.
d) Khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023; cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.
đ) Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở theo quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh CGC, DTLCP, VDNC trâu, bò và LMLM gia súc..; thông tin kịp thời và chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống đối với từng đối tượng.
4. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với lực lượng công an và các tổ chức, lực lượng có liên quan khác trong việc phòng ngừa và xử lý các vi phạm về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc tại bến xe, đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh.
5. Ban chỉ đạo 389 tỉnh Khánh Hoà: Chỉ đạo các lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
6. Các sở, ngành có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Chỉ đạo trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện công tác ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh động vật trong gia đình và cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các sở, ngành, địa phương kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp)./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19
- 2Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 3Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 4Chỉ thị 15/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 5Chỉ thị 32/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 6Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 1Luật thú y 2015
- 2Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT Quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19
- 4Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 5Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 6Chỉ thị 15/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 7Chỉ thị 32/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 8Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Chỉ thị 19/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- Số hiệu: 19/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/12/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Đinh Văn Thiệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/12/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra