Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 19/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 27 tháng 9 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 51/2010/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ HOÁ ĐƠN BÁN HÀNG HOÁ VÀ CUNG ỨNG DỊCH VỤ.

Ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hoá đơn bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ (sau đây gọi là Nghị định số 51). Nghị định số 51 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý hoá đơn bán hàng đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cơ quan Thuế; là bước căn bản trong cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thuế.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 51. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt một số nội dung công việc như sau:

1. Cục Thuế Thanh Hoá:

- Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 51, tổ chức triển khai, thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Thanh Hoá, các đơn vị liên quan để tuyên truyền làm cho các tổ chức, cá nhân hiểu rõ nội dung của Nghị định số 51, đặc biệt là về loại, hình thức, nội dung hoá đơn sử dụng từ ngày 01/01/2011; các quy định về việc in, phát hành, sử dụng hoá đơn bán háng hoá, cung ứng dịch vụ.

- Rà soát, phân loại đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trên địa bàn sử dụng các loại hoá đơn theo quy định tại Nghị định số 51; hướng dẫn các đơn vị đủ điều kiện tiến hành đặt in hoá đơn, tự in hoá đơn và sử dụng hoá đơn điện tử để có hoá đơn sử dụng ngay từ đầu năm 2011; lập kế hoạch đặt in hoá đơn để bán cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa phương để giao cho khách hàng thực hiện từ ngày 01/01/2011.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trong ngành và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; công bố đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân kinh doanh phản ánh các vướng mắc và cử cán bộ thường trực để trả lời, giải đáp kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Thanh Hoá phối hợp với cơ quan Thuế xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân để mọi người hiểu và thực hiện những nội dung mới của Nghị định số 51, trong đó cần nêu rõ từ ngày 01/01/2011, cơ quan Thuế sẽ không thực hiện bán hoá đơn cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải tự in, đặt in hoá đơn hoặc tạo hoá đơn điện tử theo quy định để sử dụng trong việc bán hàng hoá, dịch vụ.

Tuyên truyền để người mua biết ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng hóa đơn hợp pháp theo quy định để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mại, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật.

3. Sở Tài chính chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra giá thành in hoá đơn; có biện pháp ngăn chặn và xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp in lợi dụng thời điểm cuối năm để tăng giá, ép giá đối với doanh nghiệp đặt in hoá đơn.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư khi cấp đăng ký kinh doanh, có trách nhiệm thông báo, tuyên truyền cho các doanh nghiệp mới thành lập biết quyền, nghĩa vụ của mình trong việc đặt in, tự in hoá đơn từ ngày 01/01/2011, đồng thời có kế hoạch hậu kiểm đối với các doanh nghiệp đã được đăng ký kinh doanh để tránh việc lợi dụng lập doanh nghiệp “ma”, buôn bán hoá đơn bất hợp pháp.

5. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng ban và Công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt quy chế phối hợp với cơ quan Thuế trong việc phòng, chống in lậu hoá đơn, hoá đơn giả, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; nắm bắt kịp thời các hình thức gian lận mới để có biện pháp ngăn chặn những hành vi lợi dụng sự thông thoáng để thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước trong quá trình in, phát hành, sử dụng hoá đơn.

6. Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bán hàng hoá, dịch vụ phải nghiên cứu kỹ các quy định về hoá đơn bán hàng trong Nghị định số 51 và các văn bản hướng dẫn thi hành để thực hiện nghiêm túc, tránh sai sót. Các doanh nghiệp phải khẩn trương xác định loại, hình thức hoá đơn sử dụng và đăng ký sớm với cơ quan Thuế, chuẩn bị thiết kế mẫu hóa đơn cho phù hợp, có phương án về bảo mật để quản lý một cách tốt nhất, tránh bị giả mạo.

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính (báo cáo);
- T.Trực Tỉnh uỷ, HĐND (báo cáo);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huỵện, thị TP;
- Các tổ chức kinh doanh;
- Lưu: VT, KTTC .

CHỦ TỊCH




Mai Văn Ninh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2010 về tăng cường phối hợp thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hoá đơn bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 19/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/09/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Mai Văn Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản