Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2013/CT-UBND

Thái Nguyên, ngày 04 tháng 9 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Luật Xử lý vi phạm hành chính là văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính của các cấp, các ngành, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật; ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm hành chính; đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân; tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Để kịp thời triển khai tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, có trách nhiệm:

a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo việc tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra thi hành pháp luật, kiến nghị tổ chức thanh tra, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo trong việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND cấp huyện xây dựng báo cáo của UBND tỉnh về công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn gửi Bộ Tư pháp theo quy định.

3. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính, kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý, báo cáo kết quả công tác xử lý vi phạm hành chính của ngành, địa phương mình gửi UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp tổng hợp), bao gồm:

- Báo cáo hằng năm: số liệu từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến 30 tháng 9 năm sau, gửi trước ngày 10 tháng 10 hằng năm.

- Báo cáo 06 tháng: số liệu từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến 31 tháng 3 năm sau, gửi trước ngày 10 tháng 4 hằng năm;

- Báo cáo tóm tắt hằng tháng, gửi trước ngày 05 hằng tháng;

- Báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của Sở Tư pháp.

(Phụ lục: các yêu cầu về nội dung báo cáo ban hành kèm theo Chỉ thị này).

4. Đối với các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa được ban hành, trong khi Luật có hiệu lực từ 01/7/2013, Chính phủ đã có Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 08/7/2013 cho phép tiếp tục áp dụng quy định tại các Nghị định hiện hành và các biểu mẫu quyết định, biên bản kèm theo các Nghị định này nếu không trái với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, các cơ quan, người có thẩm quyền cần nghiên cứu cụ thể Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định hiện hành để thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính của mình theo quy định, không để gián đoạn chức năng xử lý vi phạm hành chính được giao.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan xây dựng quy định của tỉnh về kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính và tổ chức triển khai thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Các các cơ quan tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn tỉnh;
- UBND các h, tp, tx;
- Đ/c Chung: PCVP;
- Lưu: VT, NC.son
Sonnh\CT06.85b.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Dương Ngọc Long

 

PHỤ LỤC SỐ 01

NỘI DUNG BÁO CÁO TÓM TẮT HẰNG THÁNG CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, UBND CẤP HUYỆN VỀ TÌNH HÌNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số: 19/CT-UBND ngày 04/9/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

1. Số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý; việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính;

2. Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Tổng số tiền phạt thu được; số lượng quyết định xử phạt chưa được thi hành; số vụ bị cưỡng chế thi hành; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện;

3. Số hồ sơ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự;

4. Số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và số lượng hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (đối với báo cáo của UBND cấp huyện).

 

PHỤ LỤC SỐ 02

NỘI DUNG BÁO CÁO HẰNG NĂM, 6 THÁNG CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CỦA TỈNH VỀ TÌNH HÌNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số : 19/CT-UBND ngày 04/9/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

1. Nhận xét, đánh giá chung về tình hình vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính ở địa phương, lĩnh vực;

2. Số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý; đối tượng vi phạm; việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính; các loại hành vi vi phạm phổ biến;

3. Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Tổng số tiền phạt thu được; số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; số giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng có thời hạn; số vụ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; số lượng quyết định xử phạt chưa được thi hành; số quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền; số vụ bị cưỡng chế thi hành; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện;

4. Việc thực hiện biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính nhắc nhở đối với người chưa thành niên vi phạm;

5. Số hồ sơ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính; kiến nghị, đề xuất.

 

PHỤ LỤC SỐ 03

NỘI DUNG BÁO CÁO HẰNG NĂM, 6 THÁNG CỦA UBND CẤP HUYỆN VỀ TÌNH HÌNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Ban hành kèm theo Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 04/9/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

I. Tình hình xử phạt vi phạm hành chính

1. Nhận xét, đánh giá chung về tình hình vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính ở địa phương (bao gồm cả cấp huyện và cấp xã);

2. Số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý; đối tượng vi phạm; việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính; các loại hành vi vi phạm phổ biến;

3. Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Tổng số tiền phạt thu được; số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; số giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng có thời hạn; số vụ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; số lượng quyết định xử phạt chưa được thi hành; số quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền; số vụ bị cưỡng chế thi hành; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện;

4. Việc thực hiện biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính nhắc nhở đối với người chưa thành niên vi phạm;

5. Số hồ sơ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính; kiến nghị, đề xuất.

II. Tình hình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

1. Nhận xét, đánh giá chung về tình hình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại địa phương; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện;

2. Số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và số lượng hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

3. Số trường hợp áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên;

4. Số lượng đối tượng không xác định được nơi cư trú là người chưa thành niên hoặc người ốm yếu, không còn khả năng lao động được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội;

5. Khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 19/2013/CT-UBND thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

  • Số hiệu: 19/2013/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/09/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Dương Ngọc Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản