ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 06 năm 1991 |
CHỈ THỊ
TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT NHỮNG TỒN ĐỌNG VỀ CHÍNH SÁCH SAU CÁC CUỘC CHIẾN
Nhân dân ta đã liên tiếp tiến hành các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Từ sau giải phóng đến nay, các ngành các cấp ở thành phố đã tập trung giải quyết được một khối lượng khá lớn các tồn đọng sau chiến tranh. Tuy vậy, do hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh ác liệt, nên vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Giải quyết những tồn đọng về chính sách của Đảng và Nhà nước ta là một chủ trương lớn. Đồng thời là yêu cầu chính trị xã hội bức bách là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là của các đối tượng, gia đình có liên quan mong muốn được giải quyết càng sớm, càng tốt.
Để tiếp tục thực hiện chỉ thị số 105 ngày 21-04-1989 của Hội đồng Bộ trưởng và chỉ thị số 50 ngày 17-2-1990 của Bộ Quốc phòng về việc giải quyết những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh, Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ thị cho Thủ trưởng các sở ban ngành thành phố và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau đây:
1/ Tổ chức điều tra cơ bản:
a) Tổ chức điều tra cơ bản nhằm soát xét lại toàn bộ những tồn đọng trên tất cả các phường, xã của thành phố.
b) Trên cơ sở điều tra cơ bản, tiến hành phân loại, xác minh, kết luận từng loại, từng trường hợp cụ thể, qua đó mà lập kế hoạch xử lý giải quyết chính sách theo quy định.
c) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ bước điều tra cơ bản, huy động đúng mức khả năng, trách nhiệm phối hợp đồng bộ của các ban, ngành chức năng, mặt trận, đoàn thể tuyên truyền phát động sâu rộng trong tất cả các tầng lớp nhân dân để từ nhân dân phát hiện ra những tồn đọng chánh sách cần giải quyết. Phấn đầu đến cuối năm 1992 giải quyết dứt điểm các tồn đọng chính sách sau chiến tranh trên địa bàn thành phố.
d) Làm tốt việc phát động quần chúng tham gia phát hiện và giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh sẽ tạo sự phấn khởi, hưởng ứng trong nhân dân, thiết thực củng cố hậu phương quân đội, tăng cường quốc phòng và an ninh ở địa phương.
2/ Nội dung giải quyết tồn đọng:
a) Xác minh báo tử, mất tin, mất tích.
b) Điều tra cất bốc quy tập mộ liệt sĩ về nghĩa trang.
c) Giải quyết tiếp nhận thương binh nặng về địa phương và chăm lo chu đáo thương binh nặng và thương binh nặng đặc biệt.
d) Giải quyết khen thưởng cho các đối tượng.
e) Giải quyết chính sách cho số quân nhân có thành tích nhưng đã rời hàng ngũ trước và sau ngày 30-4-1975 mà không gây hại gì cho cách mạng.
3/ Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ban ngành có liên quan:
Việc giải quyết tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh là vấn đề rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải hết sức công phu, kiên trì, thận trọng, chính xác. Từng vần đề, từng trường hợp cụ thể đếu có liên quan đến nhiều chính sách, nhiều cấp, nhiều ngành. Vì vậy các cấp, nhất là cấp phường, xã, quận, huyện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn. Các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Bổ chi huy quân sự thành phố và Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố có trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu giúp Uỷ ban nhân dân thành phố tỗ chức triển khai kế hoạch, theo dõi chỉ đạo các quận, huyện và cơ sở thực hiện theo kế hoạch chung của thành phố. Từ đây đến cuối tháng 8/1991 tập trung chỉ đạo một phường, một xã điểm về điều tra cơ bản để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung sắp tới.
Các cơ quan thông tin đại chúng, cần phải thường xuyên, tuyên truyền, thông tin, cổ vũ, động viên bằng nhiều hình thức để tạo phong trào, khí thế chung của thành phố.
4/ Tổ chức thực hiện:
a) Thành lập Ban chỉ đạo các cấp ở thành phố để chỉ đạo giải quyết tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh. Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ có quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tồn đọng về chính sách cấp thành phố. Các quận, huyện, phường, xã cần phải thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề này, do một đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là Trưởng ban. Thành viên của Ban gồm lãnh đạo các ngành quân sự, lao động, thương binh xã hội, công an, văn hoá thông tin, mặt trận, đoàn thể, Hội cựu chiến binh ở địa phương.
b) Bộ chỉ huy quân sự thành phố phối hợp với Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố để bàn với quận, huyện có liên quan chọn một phường, một xã làm điểm và cử cán bộ chuyên trách theo sát quá trình điều tra cơ bản ở điểm. Bộ chỉ huy quân sự thành phố cần báo cáo nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan Quân khu 7 qua kinh nghiệm các địa phương đã làm trước.
c) Tháng 9/1991 sẽ triển khai rộng đến tất cả các quận, huyện, phường, xã ở thành phố. Phấn đấu đến tháng 6/1991 giải quyết xong cơ bản việc này. Đối với số ít trường hợp cụ thể có nhiều khó khăn, phức tạp thì cũng quyết tâm đến cuối năm 1992 giải quyết dứt điểm.
Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu lãnh đạo các ngành chức năng thành phố và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện chu đáo chỉ thị này, thực hiện tốt trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa đối với những người, những gia đình có nhiều công lao, thành tích trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 18/CT-UB năm 1991 về việc tiếp tục giải quyết những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 18/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 07/06/1991
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Văn Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/06/1991
- Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực