Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 18/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 5 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BẢO HIỂM TAI NẠN HÀNH KHÁCH VÀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG PHẠM VI TP. HỒ CHÍ MINH

Thi hành Quyết định số 314-CP ngày 01-10-80 của Hội đồng Chính phủ và các công điện, quyết định, thông tư của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chánh liên quan đến các vấn đề trên, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị số 1070-UB ngày 10-6-81 hướng dẫn việc thực hiện hai loại bảo hiểm nêu trên.

Kiểm điểm hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 1070-UB, UBND Thành phố nhận thấy công tác bảo hiểm cho các hoạt động giao thông trong thành phố đã đạt một số kết quả khá tốt. Phần lớn các xe cơ giới, tàu thuyền có đăng ký hoạt động đều đã tham gia bảo hiểm. Nhiều vụ tai nạn lớn đã xảy ra, hành khách bị tai nạn đã được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm một cách nhanh chóng và đúng mức. Qua đó quần chúng nhân dân dần dần đã thấy rõ được sự quan tâm chăm sóc của Đảng và Nhà nước đến tính mạng của con người.

Song cũng còn một số cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa thật tích cực thực hiện công tác bảo hiểm trên. Hơn nữa do tình hình yêu cầu của công tác bảo hiểm ngày càng phát triển nên nội dung của Chỉ thị 1070-UB cần được bổ sung thêm.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo hiểm giao thông trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị :

1. Tất cả các cơ quan (kể cả cơ quan Trung ương đặt tại thành phố và cơ quan ngoại giao), các xí nghiệp, công, nông, lâm trường các hợp tác xã, tư nhân phải nộp bảo hiểm theo đúng quy định về bảo hiểm cho tất cả các xe cơ giới từ 3 bánh trở lên, và tất cả các tàu, thuyền đò có động cơ, tại chi nhánh bảo hiểm thành phố Hồ Chí Minh.

2. Các xí nghiệp vận tải quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã, tư nhân (kể cả đường bộ và đường sông, biển) kinh doanh chuyên chở hành khách có nhiệm vụ thu phí bảo hiểm hành khách đã được tính trong giá cước (theo đúng các quyết định, thông tư của Bộ giao thông vận tải và Bộ Tài chánh) và giao nộp lại cho cơ quan. Bảo hiểm theo đúng quy định tại thông tư liên bộ số 1292/TT-GTVT-TC ngày 8-8-1983 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chánh.

3. Để tạo điều kiện dễ dàng cho việc hạch toán chi phí bảo hiểm, nay quy định:

a) Đối với phí bảo hiểm tai nạn hành khách được cộng thêm vào giá cước hành khách như Quyết định 314-CP của Hội đồng Chánh phủ đã quyết định.

b) Đối với phí bảo hiểm về trách nhiệm dân sự chủ phương tiện chia làm 3 loại :

- Đối với các đơn vị hành chánh sự nghiệp do ngân sách cơ quan đài thọ.

- Đối với các đơn vị kinh doanh được tính vào giá thành hoặc chi phí lưu thông.

- Đối với hợp tác xã tư nhân do chủ phương tiện chọn.

4. Chi nhánh bảo hiểm Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo hiểm nay cần tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ bảo hiểm, thu kịp thời đầy đủ phí bảo hiểm và giải quyết bồi thường tốt các hậu quả tai nạn.

5. Để công tác bảo hiểm tiến hành có hiệu quả, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các Ban, Ngành có liên quan như sau :

a) Sở Giao thông Vận tải, Sở tài chánh, Ủy ban vật giá thành phố có trách nhiệm căn cứ vào các quy định của Nhà nước hiện hành để tính lại giá cước vận tải của các phương tiện của thành phố trình Thường trực UBND Thành phố duyệt ban hành để phù hợp với chi phí của ngành giao thông và có công với phí bảo hiểm.

b) Sở Giao thông vận tải :

- Hướng dẫn thực hiện và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện hai loại bảo hiểm, trách nhiệm dân sự và tai nạn hành khách ở tất cả các đơn vị trực thuộc.

- Phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông và Chi nhánh bảo hiểm trong công tác an toàn giao thông.

c) Công an thành phố :

- Có biện pháp kiểm tra giấy chứng nhận bảo hiểm do Chi nhánh bảo hiểm cấp. Giấy chứng nhận bảo hiểm được xem như một trong những giấy tờ cần thiết của chủ phương tiện để được cấp giấy phép lưu hành ; xử phạt những chủ phương tiện không có giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, Chi nhánh bảo hiểm trong công tác an toàn giao thông.

- Hợp tác giúp đỡ bảo hiểm trong công tác giám định các tai nạn giao thông.

d) Sở Tài chánh :

- Dự trù và cấp phát kịp thời tiền chi phí bảo hiểm cho các đơn vị hành chánh sự nghiệp của thành phố, kết hợp với các đơn vị kinh doanh để đưa phí bảo hiểm và kế hoạch thu cho tài vụ của đơn vị.

e) Sở Y tế :

- Hướng dẫn các bệnh viện, bệnh xá tiếp nhận và cấp cứu chữa trị kịp thời các nan nhân tai nạn lưu thông.

- Cung cấp cho Bảo hiểm các chứng từ cần thiết như: ý chứng, hoá đơn, viện phí, giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật… để có cơ sở bồi thường nạn nhân.

g) Đài phát thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí :

- Hỗ trợ Chi nhánh bảo hiểm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, quy tắc bảo hiểm và công tác đề phòng tổn thất.

h) Ngân hàng :

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan bảo hiểm trong việc thu phí bảo hiểm của các cơ quan tham gia bảo hiểm và giải quyết đầy đủ kịp thời nhu cầu tiền mặt bồi thường cho các nạn nhân.

6. Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chi nhánh bảo hiểm có trách nhiệm cùng với các cơ quan hữu quan hướng dẫn triển khai thi hành chỉ thị này và hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Võ Danh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/CT-UB năm 1984 về việc bảo hiểm tai nạn hành khách và trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện giao thông vận tải trong phạm vi TP. Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 18/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/05/1984
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Võ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản