Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2005/CT-UBND | Mỹ Tho, ngày 28 tháng 12 năm 2005 |
VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2006
Năm 2006, là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh và kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), trên cơ sở: Tập trung khai thác mọi tiềm năng và lợi thế của địa phương, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo cơ hội, chủ động hội nhập kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, tạo bước chuyển biến nhanh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế đạt trên 11%. Thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững gắn chặt với bảo vệ môi trường. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo giữ vững, ổn định quốc phòng và an ninh trật tự. Tăng cường xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính.
Những mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ mới đòi hỏi phong trào thi đua phải được nâng lên một tầm cao mới. Để phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các ngành, các cấp, các đơn vị thực hiện tốt công tác thi đua và khen thưởng năm 2006, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần tổ chức tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2005 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2006 trước Tết Nguyên đán, với chất lượng cao và tiết kiệm. Tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và động viên cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ và nhân dân tổ chức thực hiện phong trào thi đua toàn dân, toàn diện, liên tục với các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1.1. Phong trào toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, làm giàu cho mình và cho đất nước, phấn đấu có nhiều xã, phường, thị trấn không còn hộ nghèo, tăng hộ giàu. Phát huy mọi nguồn lực, thi đua đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất trong từng ngành, lĩnh vực và chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá và của các loại hình doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế. Đầu tư phát triển nhanh kinh tế biển, tạo bước đột phá trong hoạt động thương mại, dịch vụ.
1.2. Thi đua cải tiến đổi mới công tác quản lý trong mọi lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.
1.3. Thi đua đẩy nhanh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Chủ động quan hệ hợp tác kinh tế trong và ngoài nước; khai thác có hiệu quả quan hệ kinh tế đối ngoại; mở rộng hoạt động đối ngoại. Cơ bản giải quyết vấn đề nước sạch phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân vùng nông thôn, nhất là các huyện phía Đông.
1.4. Thi đua xây dựng xã hội học tập, nâng cao trình độ và năng lực khoa học, công nghệ, gắn chặt với nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển tỉnh nhà.
1.5. Thi đua đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa xã hội, xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh. Chú trọng các biện pháp giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và các chính sách xã hội. Thực hiện tốt phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và các cuộc vận động ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm độc hại, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
1.6. Thi đua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước các cấp và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng.
1.7. Thi đua đổi mới quản lý trong mọi lĩnh vực hoạt động, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ công chức và cán bộ quản lý nhà nước giỏi nghiệp vụ, công tâm, liêm khiết, hết lòng phục vụ nhân dân.
1.8. Thi đua xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh; phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
2. Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật Thi đua, Khen thưởng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định 121/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng để mọi người quán triệt, thông suốt.
3. Các cấp, các ngành, các đơn vị xây dựng kế hoạch và các biện pháp hữu hiệu, để tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác thi đua, khen thưởng trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo nên phong trào hành động cách mạng mới với khí thế mới, đưa phong trào thi đua trở thành cao trào sâu rộng trong mọi người, mọi nhà, mọi ngành, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII.
4. Phong trào thi đua phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, tập trung vào công tác trọng tâm, khắc phục những yếu kém. Phong trào thi đua phải thiết thực, hình thức phù hợp, đề ra nội dung và chỉ tiêu thi đua cụ thể làm cơ sở phấn đấu, đồng thời là cơ sở đánh giá kết quả thi đua.
5. Các phong trào thi đua phải được sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Tăng cường công tác khen thưởng đột xuất, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến qua các phong trào. Mở rộng khen thưởng các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền kịp thời và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến ở các thành phần kinh tế, qua đó tiếp tục cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cơ sở cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng và quản lý kinh phí khen thưởng của đơn vị theo đúng quy định hiện hành.
6. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp; bổ sung thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng để đảm bảo hoàn thành tốt chức năng theo dõi và xét duyệt thi đua, khen thưởng. Bố trí cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có đạo đức, phẩm chất, lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định, tâm huyết với công việc để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đi vào hoạt động từ tháng 01/2006.
Giao cho Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh hướng dẫn cụ thể về công tác thi đua, khen thưởng năm 2006 và theo dõi kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện tốt chỉ thị này, định kỳ có báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Chỉ thị 18/2005/CT-UBND về công tác thi đua, khen thưởng năm 2006 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
- Số hiệu: 18/2005/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/12/2005
- Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Người ký: Nguyễn Hữu Chí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra