Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-NH-CT

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1974 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC DÙNG GIẤY NHỜ THU ĐÒI NỢ DÂY DƯA

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh tế, xí nghiệp thu được các khoản tiền hàng và lao vụ đã trở thành công nợ dây dưa sau khi đã có biên bản đối chiếu công nợ hợp lệ, phát huy tính chủ động đòi tiền của bên chủ nợ cũng như tác dụng  đôn đốc chấp hành kỷ luật chi trả của ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng trung ương quy định.

Trong đợt thanh toán công nợ dây dưa theo quyết định số 107-CP ngày 7-5-1974 của Hội đồng Chính phủ, các đơn vị kinh tế, các xí nghiệp là đơn vị hạch toán kinh tế được dùng giấy nhờ thu để đòi công nợ dây dưa phát sinh trong mối quan hệ mua bán hàng hóa và cung ứng lao vụ trong hai trường hợp sau đây:

1. Trong biên bản đối chiếu xác nhận công nợ hợp lệ có quy định rõ bên chủ nợ được lập giấy nhờ thu để đòi.

2. Bên khách nợ không lập giấy uỷ nhiệm chi để trả đúng thời hạn đã quy định trong biên bản đối chiếu xác nhận công nợ hợp lệ, thì bên chủ nợ được quyền lập giấy nhờ thu để đòi.

Ngoài các quy định chung theo chế độ thanh toán phải chấp hành đối với thể thức thanh toán chấp nhận giấy nhờ thu để đòi tiền về công nợ dây dưa, còn phải chấp hành đúng một số quy định riêng sau đây:

- Đơn vị chủ nợ khi lập giấy nhờ thu phải đính kèm 1 liên biên bản xác nhận công nợ hợp lệ (thay thế hoá đơn và chứng từ đòi nợ);

- Đơn vị chủ nợ phải đóng dấu hoặc viết tay bằng mực đỏ dòng chữ thanh toán công nợ dây dưa lên phía góc phải giấy nhờ thu;

- Thời hạn trả tiền các giấy nhờ thu là 30 ngày kể từ ngày ngân hàng B chuyển giao giấy nhờ thu cho đơn vị khách nợ (do ngân hàng B ghi rõ trên các giấy nhờ thu); hết hạn mà đơn vị không trả tiền thì ngân hàng trích tài khoản tiền gửi để trả, nếu chậm trả thì áp dụng phát chậm trả trả theo tỷ lệ 0,025% (hai phần rưỡi vạn) một ngày trên số tiền chậm trả;

- Ngân hàng Nhà nước mở 2 tiều khoản trong tài khoản ngoại bảng 9929: 9929.01 để hạch toán theo dõi giấy nhờ thu thông thường quá hạn và 9929.02 để hạch toán theo dõi giấy nhờ thu về công nợ dây dưa quá hạn (sau khi hết thời hạn trả tiền 30 ngày);

- Việc tra soát và đôn đốc các giấy nhờ thu đối với các ngân hàng B và các khách nợ do các đơn vị chủ nợ tiến hành theo mẫu của Ngân hàng Nhà nước quy định và do ngân hàng A ký tên đóng dấu chuyển đi;

- Ngân hàng không cho vay về giấy tờ thanh toán trên đường đi đối với các giấy nhờ thu đòi công nợ dây dưa.

Nhận được chỉ thị này các ông trưởng chi nhánh, trưởng chi điểm ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức phổ biến cho các đơn vị kinh tế và trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước thực hiện. 

 

 

K.T. TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
 
 

 
Vũ Duy Hiệu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17-NH-CT năm 1974 về việc dùng giấy nhờ thu đòi nợ dây dưa do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 17-NH-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/10/1974
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Vũ Duy Hiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 12/11/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản