Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-UBND

Bình Định, ngày 11 tháng 10 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GẮN VỚI KIỂM TRA, XỬ LÝ TÌNH TRẠNG XE CÔNG NÔNG, XE TỰ CHẾ 3, 4 BÁNH, XE MÁY CÀY KÉO RƠ MÓOC LƯU THÔNG TRÊN CÁC TUYẾN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông, trong đó quy định: “Từ ngày 01/01/2008 đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh”. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc đình chỉ lưu hành đối với xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh theo thời hạn đã được Chính phủ quy định; đồng thời, đã thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ hoạt động chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi phương tiện.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện rất nhiều xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơmooc của các cơ sở tư nhân tự sản xuất mà không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Các loại phương tiện nêu trên không được đăng ký cấp biển số, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định (xe tự chế) nhưng vẫn được sử dụng để tham gia giao thông vận chuyển hàng hóa, trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ và đường nội thành, nội thị ngày càng phổ biến. Đa phần những phương tiện này được cải tiến từ các loại động cơ khác có độ chế thêm nhiều bộ phận như cần số, bánh xe, thùng xe…để chở hàng hóa cồng kềnh, thậm chí chở người; lái xe không được đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe nên nguy cơ gây ra TNGT rất cao. Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT liên quan đến loại phương tiện này.

Qua công tác kiểm tra, đánh giá, tổng hợp, phân tích thì nguyên nhân chủ yếu là sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành chưa thật sự quyết liệt, triệt để; một số đơn vị, địa phương còn buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này; công tác xử lý của cơ quan chức năng đối với loại phương tiện này gặp nhiều khó khăn; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp; các phương tiện cấm lưu hành như: xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc; xe hết niên hạn sử dụng… vẫn lưu hành dẫn đến nhiều vụ TNGT thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý dứt điểm tình trạng xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc lưu thông trên các tuyến giao thông công cộng; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Giao thông Vận tải

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng rà soát tất cả các loại xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ moóc; xe ô tô hết niên hạn sử dụng trên địa bàn quản lý để lập danh sách quản lý chặt chẽ đối với loại phương tiện này; thông báo, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không đưa các loại phương tiện này hoạt động trên đường giao thông công cộng, nếu vi phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt và tịch thu phương tiện theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm đối với xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc và xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

2. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, lập danh sách quản lý các cơ sở, số hộ dân mua bán, sản xuất, lắp ráp, chuyên sửa chữa các loại xe công nông, cơ giới 3, 4 bánh tự chế, xe thô sơ 3,4 bánh tự chế, xe máy cày kéo. Yêu cầu các chủ cơ sở, các hộ dân chấm dứt việc mua bán, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa cho các loại phương tiện này và các chủ phương tiện cam kết không cho người khác thuê mướn để sử dụng, lưu hành loại phương tiện trên.

3. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh hướng dẫn quy trình xử lý đối với xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ moóc vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện thu giữ.

4. Công an tỉnh

- Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý chuyên đề phương tiện cơ giới đường bộ không đăng ký, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ moóc lưu thông trên các tuyến đường giao thông công cộng, nhất là trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường nội thành, nội thị... Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, phải thực hiện việc tịch thu phương tiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Thông báo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có xe hết niên hạn sử dụng đến cơ quan Cảnh sát giao thông làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu chủ xe không tự giác đến làm thủ tục thì phối hợp với Công an cấp xã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký và biển số xe; nếu cố ý lưu hành thì áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm theo quy định.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Định và các cơ quan thông tin đại chúng: Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung Chỉ thị này (trên các Báo Trung ương và địa phương, Đài PT-TH tỉnh, Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố….); xây dựng phóng sự tuyên truyền, khuyến cáo hậu quả tai nạn giao thông do sử dụng xe hết niên hạn, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc gây ra.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức tổng rà soát tất cả các loại xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc; xe ô tô hết niên hạn sử dụng trên địa bàn quản lý để lập danh sách quản lý; đồng thời, tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh (qua thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh) trước ngày 31/12/2018.

- Trên cơ sở rà soát, lập danh sách, chỉ đạo Công an cấp xã nơi chủ xe cư trú tổ chức lập biên bản yêu cầu tổ chức, cá nhân có xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc phải tự giác tháo gỡ, không đưa các loại phương tiện này hoạt động trên đường giao thông công cộng; nếu cố tình vi phạm sẽ bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu phương tiện theo quy định. Đối với xe hết niên hạn sử dụng, yêu cầu chủ phương tiện phải đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm giám sát việc tổng rà soát xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc; xe ô tô hết niên hạn sử dụng trên địa bàn quản lý; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tăng cường công tác quản lý không để xảy ra tình trạng xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc, xe hết niên hạn sử dụng hoạt động. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng phương tiện bị cấm lưu hành hoạt động trên mạng lưới giao thông công cộng thuộc địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn và các đoàn thể địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, lái xe tuyệt đối không đưa xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc hoạt động trên mạng lưới giao thông công cộng.

7. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Trên cơ sở kết quả báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, cung cấp danh sách xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc cho các cơ quan thông tin đại chúng để phục vụ công tác tuyên truyền.

- Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị này; kịp thời đề xuất biện pháp xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo quy định.

8. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự chế các loại xe ô tô, xe tương tự ô tô để đưa vào tham gia giao thông trái quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị này; định kỳ hàng tháng tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho Ban An toàn giao thông tỉnh, để tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phan Cao Thắng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2018 về tăng cường quản lý nhà nước gắn với kiểm tra, xử lý tình trạng xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móoc lưu thông trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 17/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Phan Cao Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản