Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 15 tháng 5 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ PHÁT TRIỂN TÔM CHÂN TRẮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei hoặc Penaeus vannamei) đang nuôi ở nước ta là đối tượng nhập nội, có nguồn gốc từ châu Mỹ, tương đối dễ nuôi, giá thành thấp, cho năng suất cao. Tuy nhiên, tôm chân trắng có những nhược điểm cơ bản như thường mắc những bệnh của tôm sú, mang hội chứng Taura và các bệnh khác có thể nhiễm sang các đối tượng tôm bản địa, làm mất an ninh sinh thái và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Để định hướng phát triển và quản lý tôm chân trắng, ngày 13 tháng 4 năm 2007, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về tăng cường quản lý tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh; theo đó, công tác chỉ đạo, quản lý sản xuất tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có bước phát triển chặt chẽ, phục hồi một số vùng nuôi tôm trên cát, góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi, sản phẩm xuất khẩu; đồng thời giải quyết việc làm, cải thiện đời sống một bộ phận người nuôi.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hoá đối tượng nuôi và sản phẩm xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập, tận dụng tiềm năng diện tích đủ điều kiện phát triển tôm chân trắng; đồng thời thực hiện quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 456/QĐ-BNN-NNTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 về việc ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng, Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS ngày 25 tháng 01 năm 2008 về việc phát triển nuôi tôm chân trắng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển nuôi tôm chân trắng theo kế hoạch, quy hoạch; kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp nuôi tôm chân trắng không đúng quy định tại tiêu chuẩn “28 TCN 191:2004”; sản xuất, lưu hành tôm giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng; để tôm chân trắng thoát ra các vùng nước xung quanh; gây ô nhiễm môi trường, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh vùng nuôi và các quy định khác của ngành. Các trường hợp vi phạm kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định Nhà nước hiện hành;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả Quyết định số 456/QĐ-BNN-NNTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS ngày ngày 25 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị này và các quy định khác có liên quan.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân và tổ chức thực thi nghiêm túc pháp luật về đất đai, thủy sản, bảo vệ môi trường; ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với việc tổ chức sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm chân trắng vi phạm quy định Nhà nước hiện hành;

- Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch; vận động người nuôi tôm chân trắng tự nguyện thành lập các mô hình cộng đồng tham gia quản lý vùng và cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản theo quy định.

3. Đối với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp có liên quan:

3.1. Cơ quan cấp giấy phép đầu tư khi tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức đăng ký thực hiện các dự án đầu tư sản xuất giống hoặc nuôi thương phẩm tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh, trước khi tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo quy định, phải tổ chức lấy ý kiến các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan.

3.2. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết về đất nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức thực hiện dự án đầu tư phải thực hiện đúng quy định, quy hoạch, lưu ý các đối tượng thủy sản nuôi mới. Tăng cường công tác quan trắc môi trường vùng cửa sông, ven biển nơi sản xuất thủy sản tập trung để khuyến cáo, cảnh báo chất lượng nước và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường các vùng nước nuôi trồng thủy sản;

3.3. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn tỉnh nghiên cứu cho vay vốn đầu tư phát triển sản xuất thủy sản đối với các cơ sở chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và sản xuất có hiệu quả;

3.4. Hiệp hội giống Thủy sản, Hội Nghề cá tỉnh có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền cho các hội viên biết và chấp hành các quy định của Nhà nước về điều kiện sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh;

3.5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, Hội Nông dân tỉnh: trong phạm vi trách nhiệm tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng thông tin về phát triển tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh.

Nhận được Chỉ thị này yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Các chỉ đạo trước đây của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý và phát triển tôm chân trắng trái với Chỉ thị này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2008 về phát triển tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 17/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/05/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Trần Xuân Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản