Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO

Thời gian qua, hoạt động quảng cáo ở nước ta đã từng bước phát huy vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Hình thức, phương tiện quảng cáo phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện và dần chiếm ưu thế, đặc biệt là quảng cáo trên Internet và các phương tiện điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia dịch vụ quảng cáo, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; còn nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động quảng cáo cần phải được chấn chỉnh và khắc phục như:

Hình thức quảng cáo bằng tấm lớn ngoài trời, quảng cáo trên các bảng biển, biển hiệu, pa-nô, băng-rôn tại một số địa phương còn chưa thống nhất, không theo chuẩn quy định; hình thức quảng cáo bằng tờ rơi, tờ gấp, quảng cáo rao vặt bằng dán giấy, in chữ, in sơn, quét mực lên tường công sở, công trình công cộng, trên cột điện, tường nhà ở dân cư... còn xuất hiện tràn lan, phổ biến ở nhiều địa phương, gây phản cảm, mất mỹ quan, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn. Vẫn còn tình trạng dựng biển quảng cáo không phép.

Xuất hiện nhiều vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử; trên mạng thông tin máy tính, mạng Internet; quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, Một số chương trình quảng cáo có hình ảnh, ngôn ngữ, nội dung quảng cáo thiếu tính thẩm mỹ, trái với truyền thống văn hóa, chưa phù hợp với đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận; quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, gây tổn thất, thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các vi phạm trong hoạt động quảng cáo chưa được kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành; chưa tạo được sự minh bạch trong hoạt động quảng cáo.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đạt hiệu quả đến các chủ thể tham gia quảng cáo; ý thức chấp hành pháp luật về quảng cáo của các tổ chức, cá nhân chưa nghiêm. Việc thực thi các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động quảng cáo còn gặp khó khăn, một số quy định chưa được chỉnh sửa, bổ sung kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Các quy định về quy hoạch quảng cáo trong hệ thống văn bản hiện hành chưa cụ thể; công tác xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch quảng cáo, nhất là quy hoạch quảng cáo ngoài trời, tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, có nơi quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đạt hiệu quả. Một số địa phương chưa có quy hoạch quảng cáo, chưa bố trí kinh phí hợp lý, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo còn thiếu và yếu.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động quảng cáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

Tăng cường quản lý, chấn chỉnh kịp thời những bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo chuyển biến tích cực nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động quảng cáo trên phạm vi cả nước; bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể tham gia quảng cáo; tạo sự thống nhất đồng bộ trong thực thi Luật quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm ổn định trật tự an toàn, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiếp nhận quảng cáo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng cáo cạnh tranh lành mạnh, xây dựng môi trường quảng cáo minh bạch, tin cậy, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh trong nước, nâng cao giá trị thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

2. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ cho hoạt động quảng cáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức triển khai trên thực tế.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các hoạt động quảng cáo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật về đất đai.

b) Bộ Xây dựng: Hoàn thiện việc chỉnh sửa Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng xây dựng quy hoạch quảng cáo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong Quý III năm 2017.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên xuất bản phẩm, trên hệ thống mạng và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

d) Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định sản phẩm quảng cáo và xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, đặc biệt là các sản phẩm là thuốc, sữa và thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, thực phẩm và thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và chế phẩm sinh học dùng cho trồng trọt, chăn nuôi...; bảo đảm nội dung quảng cáo phù hợp với quy định của pháp luật, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

đ) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo trước khi phát sóng; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tiếp nhận hồ sơ quảng cáo và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quảng cáo.

e) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tiến hành rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quảng cáo. Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo, sổ tay Hướng dẫn về công tác Quy hoạch quảng cáo ngoài trời để hướng dẫn các địa phương thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong Quý III năm 2017.

- Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát hệ thống quảng cáo hiện có để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thành việc lập, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo.

g) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng; chấn chỉnh việc trình bày bằng chữ viết tiếng nước ngoài trên bảng quảng cáo, biển hiệu của các tổ chức, cá nhân; xây dựng (bố trí) các địa điểm dành riêng cho quảng cáo rao vặt; huy động các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư tham gia gỡ bỏ quảng cáo rao vặt trái phép, góp phần chỉnh trang mỹ quan đô thị.

- Bố trí kinh phí xây dựng và triển khai quy hoạch quảng cáo theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước; chỉ đạo các Sở, ngành: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường. Quy hoạch - Kiến trúc, các Sở liên quan và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao trong công tác xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch quảng cáo; quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo trên địa bàn; rà soát hệ thống quảng cáo hiện có để điều chỉnh hoặc xóa bỏ theo quy hoạch quảng cáo được duyệt.

- Bổ sung nhân lực, phương tiện kỹ thuật cho lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, trách nhiệm được giao.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và khi có vướng mắc phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng; các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương, các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (03), đdt.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2017 về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 17/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/05/2017
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 361 đến số 362
  • Ngày hiệu lực: 09/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản