Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 17/CT-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT VIỆC NHẬP KHẨU CÔNG NGHỆ, MÁY MÓC, THIẾT BỊ CỦA DOANH NGHIỆP

Nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh là hoạt động cần thiết và thường xuyên của các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Thời gian qua, bên cạnh những doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt hoạt động này vẫn còn một số doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, chất lượng kém, không đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, làm tăng giá thành sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do một số doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu trong quá trình nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị; việc kiểm tra, giám sát, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị còn nhiều hạn chế.

Để tăng cường quản lý, kiểm soát có hiệu quả và kịp thời chấn chỉnh hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp, nhất là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” đã được phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, thương mại, chuyển giao công nghệ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ... trong nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phải bảo đảm phù hợp với nội dung yêu cầu quy định trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa quốc gia, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng trong từng thời kỳ, Quy hoạch phát triển ngành và phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, mức chất lượng hàng hóa của các dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Trong hồ sơ đề nghị Cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư phải có nội dung giải trình về công nghệ kèm theo danh mục máy móc, thiết bị dự kiến nhập khẩu với các thông số, tính năng kỹ thuật chủ yếu và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi nhập khẩu.

4. Đối với công nghệ, máy móc, thiết bị thuộc các Hợp đồng EPC, nếu có nội dung chuyển giao công nghệ thì phải lập thành mục riêng hoặc Phụ lục của Hợp đồng EPC nội dung chuyến giao công nghệ, danh mục máy móc, thiết bị với các thông số kỹ thuật và tính năng theo yêu cầu, nguồn và xuất xứ của máy móc, thiết bị, năm sản xuất, tinh trạng cũ mới.

5. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ phải bảo đảm:

a) Chỉ được nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến, cao phù hợp với dự án đầu tư đã được phê duyệt, khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị có tính năng vượt trội về tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thân thiện môi trường;

b) Trong trường hợp cần thiết phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, phải đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ;

c) Không nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mà các nước đã công bố loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.

6. Tổ chức thực hiện:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng và hướng dẫn triển khai hoạt động này;

- Đề xuất các nội dung về tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của máy móc, thiết bị cần có trong hồ sơ mời thầu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào quy định pháp luật về đấu thầu;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành;

- Theo dõi tình hình thực hiện và kết quả triển khai Chỉ thị này tại các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Nghiên cứu, bổ sung yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ dự án đầu tư phải có nội dung giải trình về công nghệ kèm theo danh mục máy móc, thiết bị dự kiến nhập khẩu với các thông số và tính năng kỹ thuật chủ yếu để xem xét, thẩm tra trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Bổ sung nội dung về kiểm tra hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các dự án đầu tư của các doanh nghiệp;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan tiến hành thẩm tra nội dung về công nghệ, danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong các dự án đầu tư của các doanh nghiệp;

- Thường xuyên cập nhật, công bố danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong nước đã sản xuất được.

c) Bộ Tài chính:

- Chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương, ngăn chặn việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vi phạm các quy định của pháp luật;

- Tiến hành thống kê và định kỳ hàng năm thông báo Bộ Khoa học và Công nghệ tình hình nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp, của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d) Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

đ) Các Bộ, ngành ban hành các quy định cụ thể để quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị theo chức năng quản lý nhà nước được phân công.

e) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, chủ động trong việc hướng dẫn, đôn đốc và kiểm soát hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2013 tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 17/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/08/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 489 đến số 490
  • Ngày hiệu lực: 09/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản