ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2008/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 09 năm 2008 |
CHỈ THỊ
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 31 tháng 7 năm 2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng, Nghị định này điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng bao gồm: Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng; khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng; đầu tư, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và để hướng dẫn quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường, cảnh quan, trật tự giao thông, an toàn xã hội; ngày 11 tháng 12 năm 2007 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2007/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.
Nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ và Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng, công khai cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển hơn nữa công nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay và tiếp tục định hướng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới phù hợp theo quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng của ngành, của vùng, phù hợp theo quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin chính sách, công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng sau khi được nhà nước phê duyệt; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình về hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền;
2. Giao Ủy ban nhân dân các quận - huyện chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố nhanh chóng triển khai thực hiện việc quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, nơi để phế thải vật liệu xây dựng phù hợp với quy hoạch trên địa bàn, không gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn quận, huyện quản lý thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30 tháng 11 năm 2008, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 12 năm 2008.
3. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng phải có công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến, có mức tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng thấp, mức độ ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn của Việt Nam (TCVN), khu vực hoặc thế giới, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhãn hàng hóa cùng các yêu cầu khác quy định tại Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ và Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP .
4. Giao Sở Xây dựng:
a. Chủ trì phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của thành phố đến năm 2020, báo cáo Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trước tháng 01 năm 2010.
b. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất danh sách các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố, trình Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Hội đồng trước tháng 9 năm 2009. Các thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện Ủy ban nhân dân thành phố, đại diện các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan khác; các chuyên gia có trình độ chuyên môn về lĩnh vực vật liệu xây dựng, có kinh nghiệm trong công tác quy hoạch; đại diện của tổ chức, Hội và Hiệp hội nghề nghiệp về vật liệu xây dựng.
c. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
d. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố.
đ. Tổng hợp báo cáo định kỳ gửi Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 12 hàng năm về công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
5. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm phải có báo cáo kết quả thực hiện theo chức năng quản lý chuyên ngành gửi Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố. Cụ thể:
a. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, sự đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố.
b. Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm phối hợp quản lý, kiểm tra điều kiện hoạt động của các cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng về thiết bị, công nghệ trong đầu tư khai thác, chế biến, sản xuất; nhãn mác, xuất xứ của vật liệu xây dựng lưu thông trên thị trường.
c. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng vật liệu xây dựng thuộc danh mục hàng hóa bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và vật liệu xây dựng chưa có tiêu chuẩn quốc gia do nhà sản xuất tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
d. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về lao động của các cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Chỉ thị có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 02/2012/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 03/2013/QĐ-UBND điều chỉnh Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương kèm theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND ngày 07/05/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh
- 1Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng
- 2Thông tư 11/2007/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 3Quyết định 03/2013/QĐ-UBND điều chỉnh Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương kèm theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND ngày 07/05/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Chỉ thị 17/2008/CT-UBND về quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 17/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/09/2008
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thành Tài
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 76
- Ngày hiệu lực: 18/09/2008
- Ngày hết hiệu lực: 19/01/2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực