Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 09 tháng 8 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NGĂN CHẶN TRIỆT ĐỂ CÁC HÀNH VI PHÁ RỪNG, LẤN, CHIẾM ĐẤT RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, nhiều vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật; Kế hoạch số 335/KH-TU ngày 03/11/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao quyết tâm hành động của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan và mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan, chủ rừng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm, đất rừng trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có biểu hiện buông lỏng, bao che cho các hành vi vi phạm.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, quản lý đất rừng trên địa bàn; tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng xảy ra trên địa bàn; phối hợp kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về lâm nghiệp nói chung và hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng nói riêng. Theo dõi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn, xử lý nghiêm việc lợi dụng chuyển mục đích sử dụng rừng để khai thác rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật.

- Chỉ đạo UBND cấp xã đề cao trách nhiệm trong tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng chưa giao, chưa cho thuê và chịu trách nhiệm về phá rừng, mất rừng, chiếm đất rừng do vi phạm pháp luật xảy ra trên diện tích quản lý. Tăng cường giám sát cộng đồng trong việc thực hiện hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo các chương trình, dự án về lâm nghiệp. Đồng thời, rà soát nhu cầu giao rừng của cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn xã để trình UBND cấp huyện lập kế hoạch, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng phải có chủ quản lý thực sự.

- Chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng chức năng phối hợp kiểm tra, rà soát nguồn gốc đất trước khi thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của HĐND tỉnh; trường hợp đất có nguồn gốc từ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng để trồng rừng, sản xuất thì không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời, tổ chức thu hồi, quản lý, sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo đứng quy chế quản lý rừng, quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp xã, các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp cùng các Sở ngành, UBND cấp huyện hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ trong đó, có định hướng phát triển Ngành Lâm nghiệp để các địa phương biết, tuân thủ và thực hiện.

- Kịp thời tham mưu các cơ chế, chính sách về đầu tư trong lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng rừng, phát huy các giá trị đa dạng hệ sinh thái rừng; ứng phó biến đổi khí hậu, các mô hình sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.

- Phối hợp với các Sở ngành, địa phương quản lý tốt diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện chặt chẽ nội dung tham mưu trình các chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, giao rừng cho thuê rừng,...; phương án huy động lực lượng trong việc bảo vệ rừng và chữa cháy rừng.

- Phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về trách nhiệm của UBND các cấp và các Ban quản lý rừng trong quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp cùng các ngành, UBND cấp xã, Ban quản lý rừng trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm thường xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng theo quy chế quản lý rừng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm phát hiện sớm biến động về mất rừng, cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng Công an các địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các đối tượng vi phạm và có dấu hiệu vi phạm; phối hợp điều tra, tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, công khai kết quả xử lý nhằm giáo dục, răn đe phòng ngừa chung; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ các vụ án, vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thủ tục giao rừng, cho thuê rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; phối hợp cùng UBND các địa phương kiểm tra, rà soát nguồn gốc đất khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của HĐND tỉnh.

- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng đất rừng sai mục đích hoặc chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái quy định của pháp luật.

6. Các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ

- Đề cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo đúng quy chế quản lý rừng và quy định của Luật Lâm nghiệp; tổ chức xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; rà soát bổ sung, hoàn thiện kế hoạch bảo vệ rừng hàng năm trên cơ sở đánh giá lựa chọn các giải pháp, hình thức tổ chức bảo vệ rừng hiệu quả, huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

- Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; xây dựng các mô hình phát triển sinh kế theo các kiểu hệ sinh thái rừng nhằm tạo thu nhập cho người dân sống gần rừng.

- Tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, tổ chức đóng mốc, bảng phân định ranh giới rừng, nhất là những khu vực tiếp giáp giữa rừng tự nhiên với đất sản xuất của người dân, nhằm ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm đất rừng tự nhiên trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường thời lượng đưa tin, bài cổ vũ những mô hình sinh kế hiệu quả, những cá nhân tích cực, đồng thời lên án những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đất đai nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về chấp hành pháp luật.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể, các tổ chức chính trị các cấp phối hợp tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng; kịp thời tiếp nhận, phản ánh thông tin, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để kịp thời chỉ đạo, xử lý.

9. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- TT TU, HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Nam;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTN.
D:\Dropbox\minh tam b\Nam 2024\Chi thi\08 08 tang cuong cong tac quan ly, bao ve rung.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2024 thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 16/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/08/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Hồ Quang Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản