Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND | Nghệ An, ngày 23 tháng 8 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀU CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Trong thời gian qua, công tác quản lý tàu cá đã được các cơ quan, địa phương quan tâm, triển khai thực hiện, tỷ lệ tàu cá lắp đặt vận hành thiết bị giám sát hành trình ngày càng cao, công tác kiểm tra tàu cá trước khi xuất lạch đi khai thác ngày càng chặt chẽ đã góp phần vào việc giảm thiểu tai nạn tàu cá trên biển. Trong tổng số 1.166 tàu cá khai thác vùng khơi (tính đến 15/8/2022) đã có 1.128 phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 96,74% số tàu thuộc diện phải lắp đặt vận hành thiết bị giám sát hành trình.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động khai thác thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như hình thái thời tiết cực đoan, diễn biến trên biển Đông ngày càng phức tạp, nguồn lợi thủy sản giảm sút. Trong số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhiều chủ tàu không duy trì tín hiệu kết nối, thiết bị hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời... nên thực tế trên hệ thống giám sát tàu cá hiện chỉ có 1.031 phương tiện có tín hiệu, đạt tỷ lệ 88,42%. Số tàu cá không tham gia hoạt động đánh bắt (nên ngư dân không yêu cầu làm đăng kiểm) khá nhiều dẫn đến tỷ lệ đăng kiểm tàu cá còn thấp, chỉ đạt 71,31% số tàu thuộc diện đăng kiểm (1.218 phương tiện còn hạn đăng kiểm/1.708 phương tiện thuộc diện đăng kiểm).
Để tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trong bối cảnh ngành khai thác thủy sản đang triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017, góp phần sớm gỡ cảnh báo bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo cơ sở đăng kiểm tàu cá thực hiện nghiêm túc công tác đăng kiểm, không để tình trạng tàu cá đóng mới, cải hoán lắp đặt trên tàu các loại máy kém chất lượng, máy bộ, máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, yêu cầu chủ tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì tín hiệu kết nối trên hệ thống giám sát tàu cá trước khi cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
- Tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động trên biển như khai thác sai nghề; khai thác hủy hoại môi trường, nguồn lợi thủy sản (kích điện, đánh mìn...); khai thác sai vùng, không đánh dấu tàu cá. Tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản.
- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá, các Tổ Công tác liên ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra tàu cá theo quy định, kiên quyết không cho rời cảng đi khai thác đối với các trường hợp tàu cá không bảo đảm điều kiện an toàn cho người và tàu cá.
- Tổ chức trực ban 24/7, vận hành Hệ thống giám sát hành trình tàu cá để theo dõi giám sát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời cung cấp thông tin và cảnh báo cho tàu cá về tình hình thời tiết trên biển; hướng dẫn ngư dân tránh trú bão đảm bảo an toàn và kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan khác để hỗ trợ ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển khi cần thiết.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý tàu cá, đăng kiểm tàu cá, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào quản lý tàu cá, phù hợp với tình hình phát triển.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển kiểm tra đầy đủ tàu cá ra vào cửa lạch; kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá vào Sổ danh bạ thuyền viên; tuyệt đối không cho tàu cá xuất lạch nếu không đảm bảo đầy đủ các hồ sơ, trang thiết bị theo quy định.
- Tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động trên biển, đặc biệt là đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép, không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
- Yêu cầu các chủ tàu cá mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định trước khi xuất lạch đi khai thác thủy sản.
- Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển, các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản và các khuyến nghị của EC về cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển
- Tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn cho ngư dân các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy định hướng dẫn có liên quan của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, để ngư dân hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật về thủy sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Chỉ đạo các thành viên của Ban Chỉ đạo cấp huyện về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thực hiện nghiêm kế hoạch và phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo tinh thần quyết liệt hơn, sâu sát hơn và chịu trách nhiệm đối với kết quả nhiệm vụ được phân công.
- Chủ trì tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý tàu cá của địa phương, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định thuộc thẩm quyền.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường ven biển thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của tàu cá, báo cáo về các trường hợp tàu cá không đủ điều kiện (về hồ sơ, trang thiết bị, chứng chỉ...), đặc biệt là các trường hợp tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mà vẫn đi sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, giám sát hoạt động tàu cá qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 2Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 3Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý tàu cá, phòng ngừa ứng phó sự cố khi tàu thuyền hoạt động trên biển do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 1Luật Thủy sản 2017
- 2Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, giám sát hoạt động tàu cá qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 3Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 4Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý tàu cá, phòng ngừa ứng phó sự cố khi tàu thuyền hoạt động trên biển do tỉnh Bình Thuận ban hành
Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu: 16/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 23/08/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Hoàng Nghĩa Hiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/08/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra