ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 4 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHẢM LÁ SẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Bệnh khảm lá virus hại sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến năng suất.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đã trồng khoảng 3.557 ha, hiện đang giai đoạn phát triển thân lá, bệnh khảm lá sắn gây hại khoảng 1.070,98 ha (huyện Phong Điền 596,98 ha, thị xã Hương Trà 426 ha, huyện A Lưới 48 ha), nguyên nhân là do người dân đã sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước và mua giống nhiễm bệnh từ các vùng khác đem về trồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tuyên truyền phổ biến bệnh khảm lá sắn và tác hại của bệnh đến nông dân; chỉ đạo hướng dẫn các biện pháp tiêu hủy gốc, thân, lá cây bị bệnh bằng cách đốt, chôn lấp để hạn chế nguồn bệnh và không được sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh khảm lá để làm hom giống trồng cho niên vụ 2021. Tuy nhiên, việc triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các địa phương chưa thực sự kiên quyết, người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng chống bệnh khảm lá sắn, không nhổ bỏ, tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên nguồn bệnh vẫn tồn tại, phát triển trên đồng ruộng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng khi thời tiết nắng nóng, bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) xuất hiện.
Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Thực hiện nghiêm túc Công văn số 2091/UBND-NN ngày 16/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn.
- Thành lập Ban/Tổ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại các địa phương có trồng sắn.
- Đối với các địa phương đang bị nhiễm bệnh khảm lá sắn như các huyện: Phong Điền, Hương Trà, A Lưới: Khẩn trương chỉ đạo người dân nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy bằng cách chất đống để đốt (trong điều kiện an toàn cháy nổ) hoặc chôn lấp tiêu hủy nguồn bệnh. Đối với diện tích sắn có ≥ 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ bỏ tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn; đối với diện tích có < 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ bỏ tiêu hủy các cây bệnh. Sau 15-30 ngày xử lý, nhổ bỏ tiêu hủy sắn bị bệnh tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn, hom sắn còn lại mọc mầm thì tiếp tục nhổ bỏ tiêu hủy triệt để. Tổng hợp, thống kê diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn, diện tích tiêu hủy và các biện pháp phòng chống bệnh báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Đối với các địa phương chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn: Tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh khảm lá sắn, thống kê, khoanh vùng diện tích nhiễm bệnh để chỉ đạo nhổ bỏ tiêu hủy theo đúng quy định.
- Chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, chính quyền địa phương, Hợp tác xã chủ động trích nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ, tiêu hủy sắn nhiễm bệnh khảm lá nhằm ngăn chặn bệnh kịp thời, hạn chế thiệt hại và tránh lây lan trên diện rộng.
- Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện chế độ luân canh sang một số cây trồng khác như: đậu đỗ các loại, khoai lang, tràm lấy tinh dầu,…
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống sắn từ các vùng dịch bệnh về địa phương.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn các biện pháp tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh đảm bảo tiêu diệt được mầm bệnh, hạn chế nguồn virus tồn tại trong cây và trên đồng ruộng; tăng cường công tác điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh; nếu phát hiện bệnh khoanh vùng, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn theo đúng quy trình, nhằm ngăn chặn sự lây lan sang các vùng khác và các vụ sản xuất sau.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn nhận dạng triệu chứng bệnh, tác hại của bệnh và các biện pháp phòng trừ cho nông dân trồng sắn theo Quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành (Công văn số 1605/BVTV-TV ngày 21/7/2017 của Cục Bảo vệ thực vật).
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn. Huy động sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học tham gia công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại bệnh khảm lá virus hại sắn; biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng.
6. Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế - Công ty TNHH 1 Thành viên Nông sản Xuất nhập khẩu Hoàng Huy
Có trách nhiệm khai báo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) nguồn gốc giống sắn khi đưa từ các tỉnh khác về địa phương, đồng thời cam kết cung ứng giống sắn sạch bệnh cho nông dân trồng trên địa bàn tỉnh.
7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội
Đề nghị phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn.
8. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị theo phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp). Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 2Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 4Kế hoạch 180/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025
- 1Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
- 2Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 3Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 4Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 5Kế hoạch 180/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025
Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- Số hiệu: 16/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/04/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Văn Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/04/2021
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực