Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 8 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thời gian vừa qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có xu hướng gia tăng, chủ yếu là ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM-2.5 (hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống) thường xuyên vượt ngưỡng an toàn, luôn ở mức cao. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù các thông số bụi mịn đang dao động ở giới hạn cho phép, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể dẫn đến nồng độ bụi vượt ngưỡng an toàn, đặc biệt trong đó là bụi từ các công trình xây dựng. Hiện nay, quá trình thi công xây dựng công trình vẫn còn một số tồn tại như: một số dự án chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo Kế hoạch bảo vệ môi trường được duyệt; chưa đảm bảo vệ sinh môi trường tại các công trình, bến, bãi; còn hiện tượng ô nhiễm bụi, vật liệu xây dựng và chất thải chưa được thu gom, điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, cộng đồng trong khu vực xây dựng công trình.
Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình, góp phần duy trì chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
I. TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH THI CÔNG XÂY DỰNG
1. Lập kế hoạch bảo vệ môi trường: Trước khi triển khai thi công xây dựng, Chủ đầu tư phải tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, trong đó, lưu ý một số vấn đề sau:
a) Đối với nước thải sinh hoạt: cần xây dựng nhà vệ sinh tạm đảm bảo vệ sinh; nước thải sinh hoạt của công nhân viên trên công trường được thu gom xử lý qua bể tự hoại nước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực.
b) Nước thải thi công xây dựng cần được thu gom xử lý qua bể lắng trước khi thải ra môi trường, cụ thể:
- Đào các rãnh xung quanh các công trình để thu gom nước mưa chảy tràn và thu nước ở hố móng về các bể lắng trước lúc thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực.
- Bố trí các trạm để rửa xe vận chuyển, phương tiện thiết bị thi công ra vào công trường.
- Nước rửa xe vận chuyển, phương tiện thiết bị, dụng cụ thi công cần được thu về bể lắng trước lúc thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực.
- Cặn trong bể lắng cần được nạo vét và vận chuyển đến bãi thải theo quy định.
c) Chất thải rắn (CTR) xây dựng:
- Cần thu gom để tái chế hoặc tái sử dụng: Những vật liệu dư thừa có thể tái chế sử dụng được thì phân loại và để đúng nơi quy định thuận tiện cho việc tái sử dụng.
- CTR hàng ngày cần được thu gom và tập kết đúng nơi quy định hoặc thuê đơn vị có chức năng để thu gom.
- CTR xây dựng (giải hạ) được thu gom đến các địa điểm quy định.
d) Rác thải nguy hại: bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại (các loại dầu mở thải; giẻ lau thải bị nhiễm các thành phần nguy hại; bóng đèn huỳnh quang thải; pin, ắc quy thải;…), hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.
đ) Bụi:
- Xe vận chuyển nguyên vật liệu cần được che phủ bạt, tránh rơi vãi trên đường giao thông.
- Thường xuyên phun nước để chống bụi trên công trường xây dựng.
- Che chắn xung quanh công trường để hạn chế bụi ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
- Bố trí công nhân dọn dẹp vệ sinh vào cuối ngày làm việc.
- Đối với công trình nhà cao tầng (từ 3 tầng trở lên): khuyến khích thiết kế đường ống đổ vật liệu để hạn chế tối đa bụi bẩn và tiếng ồn phát sinh trong công trường và môi trường xung quanh.
e) Tiếng ồn:
- Bố trí thời gian thi công hợp lý; đối với các công trình ở gần khu dân cư, không thi công vào thời gian nghỉ ngơi của người dân (từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 và từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm).
- Sử dụng máy móc thiết bị ít gây ra tiếng ồn.
- Trang bị các tấm đệm cao su để giảm tiếng ồn cho các thiết bị thi công.
- Thường xuyên bảo dưỡng thiết bị thi công.
- Không vận chuyển vật liệu vào các giờ cao điểm.
2. Trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng: Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại Thông tư số 02/2018/TT-BXD ngày 06/02/2018 của Bộ Xây dựng quy định bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng; trong đó lưu ý các nội dung sau:
a) Đối với chủ đầu tư:
- Lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận theo quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trước khi thi công xây dựng công trình;
- Bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng;
- Trên cơ sở các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận, chủ dự án có trách nhiệm bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát các nhà thầu tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình;
- Đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường khi phát hiện nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng;
- Phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng công trình xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh;
- Về trách nhiệm quản lý chất thải rắn xây dựng: thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng;
- Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường bằng văn bản định kỳ 01 lần/năm theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2018/TT- BXD ngày 06/02/2018 của Bộ Xây dựng và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
b) Đối với nhà thầu thi công xây dựng:
- Thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công gói thầu;
- Bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án;
- Xây dựng và thực hiện nội quy, quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình;
- Tổ chức lập, trình chủ dự án chấp thuận các giải pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình;
- Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn các nội quy, quy trình, biện pháp bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân, người lao động và các đối tượng có liên quan trên công trường.
- Dừng thi công xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công;
- Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN
1. Sở Xây dựng
- Theo dõi tổng hợp tình hình quản lý thực hiện Chỉ thị này, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh có liên quan, chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng công trình.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý chất thải và bảo vệ môi trường dự án của chủ đầu tư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng.
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát việc đăng ký và thực hiện thu gom, xử lý chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
3. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh
- Thường xuyên kiểm tra các công trình xây dựng chuyên ngành về công tác đảm bảo trật tự, an toàn, vệ sinh lao động và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình thuộc chuyên ngành quản lý.
- Chỉ đạo các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng công trình thuộc chuyên ngành quản lý tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Công bố công khai vị trí bãi tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng tuân thủ Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường giám sát các Chủ nguồn thải, Chủ thu gom, vận chuyển và xử phạt nghiêm đối với tình trạng đổ thải không đúng quy định.
- Chỉ đạo Phòng chuyên môn quản lý xây dựng trực thuộc (Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế Hạ tầng) và Đội kiểm tra quy tắc đô thị thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng trên địa bàn quản lý;
- Chỉ đạo UBND các phường, xã trên địa bàn thực hiện một số nội dung sau:
+ Phân công cán bộ theo dõi và tổ chức thực hiện việc quản lý, kiểm tra quá trình thi công công trình theo nội dung giấy phép xây dựng, biển báo công trường, các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn;
+ Trường hợp phát hiện công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm về vệ sinh môi trường phải kịp thời quay phim, chụp hình, báo cáo và đề xuất hướng xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Xây dựng; xử phạt vi phạm hành chính theo hướng dẫn tại Công văn số 3976/UBND-TN ngày 21/6/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hướng dẫn thực hiện xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
5. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn
- Thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của UBND phường, xã, thị trấn để các tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ thực hiện Chỉ thị này. Tổ chức quản lý hoạt động xây dựng, đảm bảo trật tự an toàn và vệ sinh môi trường trên địa bàn;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để toàn dân tham gia công tác Bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp; khuyến khích người dân triển khai ứng dụng Hue-S để kịp thời phát hiện và thông báo các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng;
- Tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời những vi phạm, lập biên bản đình chỉ thi công, lập hồ sơ vi phạm, ban hành các quyết định xử lý và tổ chức xử lý theo thẩm quyền theo hướng dẫn tại Công văn số 3976/UBND-TN ngày 21/6/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Lập hồ sơ vi phạm đề xuất ý kiến xử lý đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định;
- Tổ chức thực hiện quyết định xử phạt, cưỡng chế của UBND huyện, thị xã, thành phố.
6. Các đơn vị, doanh nghiệp quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng, hè đường, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc...).
Có trách nhiệm theo dõi, phát hiện các vi phạm trong phạm vi hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật được giao quản lý; yêu cầu các tổ chức, cá nhân khắc phục các vi phạm trên; thông báo đến UBND cấp huyện để biết, chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo Sở chuyên ngành xử lý theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện tốt các nội dung trên./.
Nơi nhận: | KT.CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 180/2005/QĐ-UB ban hành Quy định bảo đảm an toàn công trình lân cận và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 2Quyết định 30/2019/QĐ-UBND quy định về đảm bảo an toàn công trình thi công lân cận và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 3Quyết định 2607/QĐ-UBND năm 2020 về thành lập Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội và Bộ phận giúp việc Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội
- 1Luật bảo vệ môi trường 2014
- 2Quyết định 180/2005/QĐ-UB ban hành Quy định bảo đảm an toàn công trình lân cận và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 3Thông tư 08/2017/TT-BXD quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 4Thông tư 02/2018/TT-BXD về quy định bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 5Quyết định 30/2019/QĐ-UBND quy định về đảm bảo an toàn công trình thi công lân cận và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 6Thông tư 25/2019/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 7Quyết định 2607/QĐ-UBND năm 2020 về thành lập Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội và Bộ phận giúp việc Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội
Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- Số hiệu: 16/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 14/08/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Phan Thiên Định
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/08/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra