Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 06 tháng 8 năm 2015

 

CHỈ THỊ

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH QUẢNG NAM

Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2014, PCI tỉnh Quảng Nam đạt 59,97 điểm, xếp thứ 14/63 tỉnh/thành phố trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2013; nhiều chỉ số thành phần của PCI có cải thiện đáng kể được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, như: Tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, gia nhập thị trường. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra vẫn chưa đạt yêu cầu, PCI mặc dù có tăng điểm và tăng hạng nhưng vẫn trong nhóm điều hành KHÁ; công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định; một số chỉ số thành phần trong PCI của tỉnh giảm điểm khá sâu so với năm 2013 như: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu PCI tỉnh Quảng Nam năm 2015 và những năm tiếp theo trong nhóm điều hành TỐT; căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Ban hành kế hoạch và các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016 của từng Sở, ngành, địa phương; văn bản hoàn thành gửi cho Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trước ngày 15/8/2015 để báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

2. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xem nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, địa phương mình.

3. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động số 2479/KH-UBND ngày 01/7/2014 của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014 – 2015 và những chủ trương, chính sách đã ban hành trong thời gian qua liên quan đến công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

4. Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản, cơ chế, chính sách đã ban hành liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân; nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời quản lý tốt hơn doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp; tăng cường sự trợ giúp pháp lý, tạo sự cam kết, nhất quán và định hướng dài hạn trong môi trường đầu tư của doanh nghiệp.

5. Tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện phát huy các mặt tốt của năm 2014, khắc phục có hiệu quả các tồn tại đảm bảo các chỉ số thành phần PCI đạt điểm số cao hơn so với các năm trước, như:

a) Rút ngắn hơn nữa thời gian đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, cấp điện sản xuất và các thủ tục khác để dự án sớm đi vào hoạt động.

b) Thực hiện đào tạo lao động theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đào tạo có địa chỉ; tổ chức kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động phục vụ; chủ động làm việc với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư dự án để có thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động để có định hướng cho các đơn vị đào tạo; giải quyết căn bản tình trạng thiếu nguồn lao động chất lượng.

c) Tiếp tục thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong việc giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư; từng bước bổ sung các thủ tục khác liên quan đến doanh nghiệp để thực hiện theo cơ chế "một cửa liên thông"; nghiên cứu xây dựng cơ chế "một cửa liên thông" hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 trên Cổng thông tin các Sở, Ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố.

d) Tổ chức tốt Ngày tiếp doanh nghiệp hằng tháng; các ngành, địa phương phải cử lãnh đạo và cán bộ có năng lực chuyên môn sâu tham dự các buổi tiếp doanh nghiệp để trực tiếp hướng dẫn, trả lời cho doanh nghiệp; sớm tổ chức thực hiện kết luận của Lãnh đạo UBND tỉnh tại các buổi tiếp doanh nghiệp; tránh tình trạng doanh nghiệp phải đi lại nhiều cơ quan mới được giải quyết các hồ sơ, thủ tục.

Ngoài lịch tiếp doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc hằng tháng, cần nghiên cứu tổ chức định kỳ gặp gỡ thảo luận, trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo từng nhóm ngành/lĩnh vực để chủ động nắm bắt tình hình, chia sẻ cùng doanh nghiệp và có phương án, kế hoạch hỗ trợ phù hợp.

e) Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký thành viên Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp theo đúng quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; trường hợp cần thời gian nghiên cứu, tham khảo ý kiến các cơ quan liên quan thì phải có phản hồi cho doanh nghiệp được biết.

f) Phải công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư, kinh doanh, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành. Thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác khảo sát địa điểm, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho nhà đầu tư. Rà soát các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý chậm triển khai, không đảm bảo tiến độ đã cam kết để có biện pháp tháo gỡ hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.

g) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy định của Luật Đất đai; lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cho đa mục tiêu, tạo điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử và tin học hóa trong thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

h) Tăng cường xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể đảm bảo tiến đến chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết kéo dài hoặc trả kết quả không đúng hẹn khi đã nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định; yêu cầu bổ sung hồ sơ không đúng với thủ tục đã niêm yết công khai. Người đứng đầu các đơn vị liên quan phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thừa hành của cấp dưới; tập trung thực hiện rút ngắn quy trình xử lý các thủ tục hành chính, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; thực hiện mẫu hóa các nội dung có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, đặc biệt thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như: thuế, hải quan, tín dụng, bảo hiểm xã hội, quy hoạch, xây dựng, đất đai; tổ chức triển khai kế hoạch rà soát thủ tục hành chính năm 2015. Rà soát chuẩn hóa các quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, thẩm quyền giải quyết của ngành, địa phương, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được chuẩn hóa, kịp thời công bố, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng/Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, địa phương và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

i) Tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm giảm tối đa những chi phí không chính thức theo phản ánh của doanh nghiệp đầu tư trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm Quyết định số 2031/QĐ-UBND ngày 08/6/2015 của UBND tỉnh về trách nhiệm công khai xin lỗi của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong giải quyết các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

k) Phát huy hơn nữa tính gương mẫu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện tính năng động và tiên phong, nỗ lực đột phá triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và các năm tiếp theo của lãnh đạo các cấp; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo xử lý ngay các bộ phận cá nhân có biểu hiện thờ ơ, bàng quan với khó khăn của doanh nghiệp, chấm dứt ngay tình trạng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chủ trương của lãnh đạo tỉnh theo phản ánh của các nhà đầu tư.

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện/xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng, thái độ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc của cán bộ chuyên môn liên quan đến dự án đầu tư (kể cả thủ tục đầu tư và sau đầu tư). Trường hợp chậm trễ thường xuyên hoặc thái độ không đúng mực bị phản ánh nhiều lần phải kiên quyết xử lý kỷ luật hoặc điều chuyển bố trí công tác khác.

6. Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Website xúc tiến đầu tư theo hướng đây là trang thông tin cung cấp đầy đủ, toàn diện các thông tin đầu tư vào Quảng Nam, trong đó đặc biệt lưu ý phải có bộ danh mục tóm tắt các dự án cơ hội đầu tư của tỉnh và các địa phương giai đoạn từ nay đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực (phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp,…), với những thông tin cơ bản về dự án (vị trí, diện tích, điều kiện hạ tầng, khả năng cung cấp lao động, nguồn nguyên liệu, giá đất, cơ chế đầu tư,…), bổ sung vào Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp mục Ý kiến của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phản ánh, góp ý về tình hình, thái độ giải quyết công việc của các ngành, địa phương hoặc có những ý kiến góp ý để xây dựng môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn; chủ trì làm việc với các ngành, địa phương, cơ quan quản lý để thống nhất danh mục và báo cáo UBND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư làm cơ sở triển khai khi có nhà đầu tư đăng ký.

7. Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công thương, Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo.

8. Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Quảng Nam và Quỹ Phát triển đất tỉnh ưu tiên cho vay vốn và tạm ứng đối với các dự án giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp có tính khả thi, tiến độ triển khai sớm.

9. Các cơ quan Báo, Đài, Cổng thông tin điện tử tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục cán bộ, công chức, viên chức nhận thức vai trò quan trọng của nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Tuyên truyền các chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

10. Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp theo dõi tình hình thực hiện của các ngành, địa phương đối với các chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến các dự án đầu tư, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời báo cáo xử lý các đơn vị, địa phương thường xuyên chậm trễ gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của tỉnh sẽ bị xem xét hạ chấm điểm thi đua cuối năm.

11. Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm về kết quả thực hiện các nội dung của Chỉ thị, gửi Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trước ngày 05/7 và 31/12 hằng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Phòng TM và CN Việt Nam;
- VPTU và các Ban Đảng;
- UBMTTQVN, các Đoàn thể tỉnh;
- CN VP. Phòng TM và CN Việt Nam tại Đà Nẵng;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- HHDN tỉnh và các Hiệp hội ngành, nghề;
- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT, TH, NC, KTN, KTTH
D:\Lanh\2015\Chi Thi\Cai thien Mtruong Dtu Nang cao PCI 2015.doc

CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2015 về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 16/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Đinh Văn Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản