Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 16/2009/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 8 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG THÁNG AN TOÀN GIAO THÔNG THÁNG 9 NĂM 2009 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Chỉ thị số 718/TTg, ngày 01 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các Nghị định của Chính phủ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đã quy định tháng 9 hàng năm là “Tháng an toàn giao thông”; thực hiện Kế hoạch hoạt động Tháng an toàn giao thông - Tháng 9 năm 2009 số 238/UBATGTQG, ngày 15 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;

Nhằm phát động phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, làm cơ sở để từng bước hình thành “văn hóa giao thông” trong mỗi người dân khi tham gia giao thông; đồng thời duy trì kết quả đạt được từ “Tháng an toàn giao thông” cho những tháng tiếp theo trong năm 2009, là cơ sở quan trọng góp phần đạt được chỉ tiêu năm 2009 của thành phố về giảm cả ba mặt số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông;

Trong Tháng an toàn giao thông - Tháng 9 năm 2009, phấn đấu kéo giảm ít nhất 7% số người chết vì tai nạn giao thông; 15% số vụ tai nạn giao thông và 15% số người bị thương vì tai nạn giao thông; đồng thời kéo giảm đến mức thấp nhất số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút so với tháng liền kề (tháng 8 năm 2009) và so với cùng kỳ năm 2008.

Để tổ chức thực hiện thống nhất và có hiệu quả cao “Tháng an toàn giao thông” năm 2009 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở - ngành, tổ chức đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân và Ban An toàn giao thông các quận - huyện tổ chức triển khai các việc sau đây:

1. Chủ đề trọng tâm của Tháng an toàn giao thông năm 2009 là:

“Xây dựng nếp văn hóa giao thông”

2. Trên cơ sở các “Tiêu chí văn hóa giao thông” và “Một số hành vi thể hiện văn hóa giao thông” nêu tại Kế hoạch hoạt động Tháng an toàn giao thông - Tháng 9 năm 2009 số 238/UBATGTQG, ngày 15 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương mình, các sở - ngành thành phố, Ủy ban nhân dân và Ban An toàn giao thông 24 quận - huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng kế hoạch hoạt động Tháng an toàn giao thông năm 2009 trước ngày 28 tháng 8 năm 2009, gửi Ban An toàn giao thông thành phố để theo dõi, phối hợp. Ban An toàn giao thông các quận - huyện chủ động tổ chức Lễ hưởng ứng “Tháng an toàn giao thông” năm 2009 tại địa phương chậm nhất ngày 31 tháng 8 năm 2009.

Nội dung kế hoạch hoạt động Tháng an toàn giao thông năm 2009 của quận - huyện cần phải xác định rõ trọng điểm về tai nạn giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông và tình hình trật tự giao thông, nhất là về ban đêm trên địa bàn, các biện pháp trọng tâm để giải quyết các vấn đề vừa nêu. Tập trung thực hiện kết hợp đồng bộ 3 mặt công tác: tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, xây dựng nếp văn hóa giao thông; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm về trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị và công tác bảo đảm giao thông, tiếp tục lập lại hành lang an toàn giao thông và tăng cường quản lý vận tải.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai các nội dung tuyên truyền, giáo dục về giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ cho học sinh các trường từ mẫu giáo đến phổ thông trung học ngay trong dịp khai giảng năm học 2009 - 2010 và vào các giờ sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm,...; đưa nội dung tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vào nội dung họp phụ huynh học sinh của các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở; đối với trường trung học phổ thông, đưa thêm nội dung không được lái xe mô tô trên 50 cm³ khi chưa có giấy phép lái xe. Sở Giáo dục và Đào tạo cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với học sinh vi phạm; chỉ đạo các trường trong cùng một khu vực tổ chức lệch giờ học và tan trường nhằm giảm tập trung giao thông cùng lúc vào một khu vực.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và các cơ quan báo chí thành phố thực hiện tin, bài, chuyên đề, phóng sự, phim tài liệu,… tuyên truyền và vận động mọi tầng lớp nhân dân thành phố tham gia công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông và chung tay xây dựng nếp sống có văn hóa khi tham gia giao thông. Chú ý nêu gương điển hình người tốt việc tốt và phê phán các hành vi cố tình vi phạm của người tham gia giao thông.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Văn hóa thành phố, Trung tâm Thông tin Triển lãm thành phố và hướng dẫn các Trung tâm văn hóa các quận - huyện xây dựng các chương trình, tiết mục cổ động về đề tài bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông và văn minh đô thị, tổ chức tuyên truyền sâu, rộng đến với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.

6. Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; lập lại hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác quản lý vận tải. Thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan chức năng có kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Đối với chủ đầu tư các công trình có chiếm dụng lòng, lề đường đang khai thác để thi công, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các địa phương, đặc biệt là quận 2 và huyện Bình Chánh để đảm bảo giao thông thông suốt trên Liên tỉnh lộ 25B, khu vực Ngã ba Cát Lái, Xa lộ Hà Nội và trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Bình Chánh.

7. Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan và Công an quận - huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; chú ý phối hợp chặt chẽ việc tuyên truyền với cưỡng chế để đạt hiệu quả cao; hạn chế tối đa việc tụ tập, chạy xe phóng nhanh, dàn hàng ngang cùng lúc nhiều xe, đua xe trái phép.

8. Ban An toàn giao thông thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức Lễ Phát động “Tháng an toàn giao thông” năm 2009, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị” phát động đợt cao điểm thực hiện nếp sống văn minh đô thị (vào ngày 29 tháng 8 năm 2009); tổng hợp báo cáo và đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc; đồng thời phê bình các đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt hoạt động “Tháng an toàn giao thông” năm 2009. Sau 15 ngày đầu tháng 9 năm 2009, có báo cáo nhanh tình hình hoạt động Tháng an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động “Tháng an toàn giao thông” năm 2009 trong tháng 10 năm 2009.

Ban An toàn giao thông thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và Sở Tư pháp, trên cơ sở các khẩu hiệu do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phổ biến, nghiên cứu, soạn thêm và đưa vào sử dụng các khẩu hiệu, thông điệp tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra và làm việc với các địa phương có tình hình ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tăng cao để có biện pháp cụ thể kéo giảm tình trạng này.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với Ban An toàn giao thông và các cơ quan chuyên môn thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và vận động các đoàn viên, hội viên hưởng ứng các hoạt động “Tháng an toàn giao thông” năm 2009, đặc biệt là xây dựng nếp văn hóa giao thông, gắn với nội dung thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

10. Ủy ban nhân dân các quận - huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng nếp văn hóa giao thông, văn minh đô thị; tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè (đưa vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của tổ dân phố); chỉ đạo hướng dẫn giao thông vào các khu vực bên trong khi giao thông trên các tuyến đường chính xảy ra nguy cơ ùn tắc.

11. Sở Nội vụ và Ban An toàn giao thông thành phố tiếp tục nghiên cứu kiện toàn Ban An toàn giao thông thành phố và Ban An toàn giao thông quận, huyện. Trong đó, bổ sung thêm thành viên là lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy (cấp thành phố) và Quận, Huyện ủy (cấp quận - huyện).

12. Các sở - ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân và Ban An toàn giao thông 24 quận - huyện gởi Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện Tháng an toàn giao thông năm 2009 và đề nghị khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu về Ban An toàn giao thông thành phố chậm nhất ngày 05 tháng 10 năm 2009 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/2009/CT-UBND về tổ chức hoạt động " Tháng an toàn giao thông tháng 9 năm 2009" trên địa bàn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 16/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/08/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: 15/09/2009
  • Số công báo: Số 143
  • Ngày hiệu lực: 06/09/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 03/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản