Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 16/2006/CT-UBND

Pleiku, ngày 01 tháng 11 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN, LÂM SẢN, VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP VÀ ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản, vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cấp, các ngành quan tâm và thu được một số kết quả tốt, đã có nhiều mô hình sản xuất lúa theo quy trình ICM (quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp), IPM (quản lý dịch hại tổng hợp); trồng rau theo quy trình sản xuất rau an toàn; chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia súc, gia cầm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản, vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhiều tồn tại như: Sử dụng thuốc hóa học trong bảo vệ thực vật, bón phân hóa học không đúng quy định; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat tự do trong nông sản còn vượt mức cho phép; phát hiện một số phân bón kém chất lượng, một số chất cấm vẫn được sử dụng trong thức ăn gia súc v.v...Tình trạng chất lượng nông, lâm sản thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành bức xúc lớn trong xã hội, làm ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng, phát triển sản xuất. Trước tình hình đó, ngày 25/8/2006, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số: 66/2006/CT-BNN về việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhằm chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại vật tư hàng hóa chuyên ngành nông nghiệp, định hướng, hướng dẫn người sản xuất cũng như người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010 trong các khâu sản xuất, sơ chế nông sản; xây dựng và phổ biến các quy trình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, trước mắt là lúa, rau, lợn, gà, trình UBND tỉnh trước ngày 20/11/2006; ,

- Xây dựng các tiêu chí để công nhận các cơ sở, địa phương sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn trình UBND tỉnh trước ngày 20/12/2006;

- Phổ biến đến các cán bộ quản lý ngành nông nghiệp của tỉnh, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và người sản xuất thực phẩm về các quy trình sản xuất tốt (GAP); phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các sở ngành của tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng các quy trình sản xuất tốt, trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong năm 2007;

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn người sản xuất thực hiện các quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung;

- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất và các địa phương làm thủ tục để được công nhận là cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn; thường xuyên khuyến cáo đến người tiêu dùng về các cơ sở, địa phương được công nhận là cơ sở, địa phương sản xuất thực phẩm an toàn, để người tiêu dùng biết, lựa chọn sản phẩm;

- Hằng năm chủ trì cùng với Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thương mại Du lịch xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thức ăn gia súc... lấy mẫu kiểm tra các loại nông sản trong quá trình sản xuất, đặc biệt ở những địa điểm và thời điểm có nguy cơ cao, để ngăn chặn giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp nằm trong danh mục cấm sử dụng, kém chất lượng và nông sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền (hoặc trình UBND tỉnh ban hành) các văn bản về công tác quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực để triển khai chỉ đạo của Trung ương về vấn đề này.

2. UBND cấp huyện, thị xã, thành phố:

- Bố trí ngân sách cho việc tổ chức thực hiện công tác quản lí, nâng cao chất lượng nông lâm sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là trách nhiệm của người sản xuất, quyền và lợi ích của người tiêu dùng, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, đầu tư xây dựng và hướng dẫn thực hiện một số mô hình sản xuất thực phẩm an toàn; lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các địa phương sản xuất điển hình áp dụng quy trình sản xuất tốt (GAP), trong đó:

+ Đến năm 2008 thành phố Pleiku và thị xã An Khê có 10% số cơ sở sản xuất rau và 30% số hộ sản xuất lúa áp dụng GAP;

+ Đến năm 2010 thành phố Pleiku và thị xã An Khê có 50% số cơ sở sản xuất rau và 70% số hộ sản xuất lúa áp dụng quy trình sản xuất tốt GAP;

+ Các địa phương còn lại có trên 20% số cơ sở sản xuất rau và trên 70% số hộ sản xuất lúa áp dụng quy trình sản xuất tốt (GAP).

- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh các loại vật tư, hàng hóa đầu vào của sản xuất nông nghiệp; các hoạt động sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm; các cơ sở, địa phương đã được công nhận sản xuất thực phẩm an toàn; các cơ sở đã đăng ký áp dụng hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm an toàn.

3. Các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể quần chúng, các Hội nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền đến các hội viên các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động các hội viên sản xuất lương thực, thực phẩm, áp dụng quy trình sản xuất tốt (GAP).

4. Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai:

Tổ chức tuyên truyền đến người sản xuất và người tiêu dùng về quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và sử dụng các loại thực phẩm an toàn; tuyên truyền về quy trình sản xuất tốt (GAP) và lợi ích của việc sử dụng các thực phẩm an toàn; thông tin, phổ biến các cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và lựa chọn sử dụng.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/2006/CT-UBND tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng nông sản, lâm sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 16/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Phạm Thế Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản