ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2001/CT-UB | Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ VĂN BẢN GỬI UBND THÀNH PHỐ
Theo báo cáo của Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, thời gian gần đây một số cơ quan, đơn vị gửi văn bản về UBND Thành phố xin ý kiến chỉ đạo trong khi các cấp, các ngành chưa giải quyết triệt để theo chức năng của cấp mình, ngành mình. Có việc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhưng chưa được các cấp, các ngành chủ động phối hợp giải quyết. Một số văn bản vượt cấp, văn bản giao dịch thông thường của các cấp, các ngành cũng gửi về UBND Thành phố ...
Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến công tác chung, gây trở ngại cho việc cải cách thủ tục hành chính, gây lãng phí thời gian và kinh phí của Nhà nước và của đơn vị.
Để chấm dứt tình trạng trên, UBND Thành phố chỉ thị:
1/ Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các đơn vị thuộc Thành phố phải quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh ở đơn vị mình những quy định về: Soạn thảo, ban hành và Quản lý văn bản theo: Thông tư số 33/TT ngày 10/12/1993 của Văn phòng Chính phủ, Quyết định số 1890/QĐUB ngày 8/5/1993 và Quyết định số 19/2000/QĐUB ngày 22/02/2000 của UBND Thành phố .
2/ Văn bản xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết của UBND Thành phố phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
+ Cơ quan trình phải là cơ quan trực thuộc UBND Thành phố và người ký phải đúng thẩm quyền (Giám đốc hoặc phó giám đốc các Sở, Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện...)
+ Nếu nội dung công việc có liên quan đến nhiều cấp quản lý thì phải có chính kiến đồng trình; Trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau thì cơ quan chủ trì phải ghi rõ từng ý kiến của người đại diện có thẩm quyền của các cơ quan và phải có ý kiến đề xuất của cơ quan chủ trì đối với từng vấn đề.
+ Chỉ được gửi một bản về UBND Thành phố. Những cơ quan gửi để biết hoặc thay báo cáo phải ghi ở nơi nhận theo quy định của Văn phòng Chính phủ về thể thức văn bản.
3/ Các quy định về chế độ thông tin và chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất bằng phương pháp truyền thống hoặc tin học đều phải bảo đảm: đúng thời gian, đúng thẩm quyền, đầy đủ nội dung theo quy định.
4/ Những văn bản giao dịch, giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của các Sở, Ngành, UBND các quận, huyện: chỉ gửi UBND Thành phố để thay báo cáo. Khi có yêu cầu của UBND Thành phố hoặc đề nghị của Văn phòng HĐND và UBND Thành phố cho từng vụ việc cụ thể và không được xếp vào loại văn bản xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của UBND Thành phố.
5/ Văn phòng HĐND và UBND Thành phố :
+ Chỉ được phép tổ chức tiếp nhận công văn, tài liệu của các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể thuộc Thành phố và UBND các quận, huyện có nội dung đúng thẩm quyền giải quyết của UBND Thành phố và có trách nhiệm gửi trả lại nơi gửi những văn bản tài liệu không đúng thể thức, khó đọc, nhàu nát, người ký không đúng thẩm quyền, chưa đầy đủ ý kiến của cơ quan quản lý có liên quan. Nếu phát sinh hậu quả do văn bản phải gửi trả lại thì cơ quan gửi sai chịu trách nhiệm.
+ Những văn bản vượt cấp, không đúng thẩm quyền giải quyết của UBND Thành phố ... Văn phòng HĐND và UBND Thành phố tuỳ theo nội dung, xử lý theo hướng: Nhắc nhở đơn vị gửi, chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, lưu hoặc huỷ bỏ.
Nhận được chỉ thị này, các đồng chí: Chánh văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quán triệt tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc và kiểm tra đôn đốc chấp hành nghiêm chỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, phản ánh kịp thời về Văn phòng HĐND và UBND Thành phố để tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét./.
| TM/UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Chỉ thị 16/2001/CT-UB thực hiện chế độ văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 16/2001/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 03/05/2001
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Phan Văn Vượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/05/2001
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực