Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1537/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục trong nhà trường, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục, đào tạo) triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

I. Nội dung:

1. Tại Lễ chào Cờ Tổ quốc ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên hát Quốc ca. Đồng thời, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên và các tổ chức đoàn thể khác trong các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức cho học sinh, sinh viên tập hát Quốc ca, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca. Tạo điều kiện cho trẻ Mầm non được nghe Quốc ca thường xuyên.

2. Tiếp tục thực hiện các nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trở thành các hoạt động thường xuyên trong các nhà trường. Tổ chức cho học sinh, sinh viên trực nhật lớp, chăm sóc cây xanh, khuôn viên, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường, phòng học, ký túc xá xanh - sạch - đẹp - thân thiện - văn minh; tổ chức cho học sinh, sinh viên thường xuyên tham gia các hoạt động lao động tập thể phù hợp với từng lứa tuổi và điều kiện của từng địa phương nhằm hình thành ý thức bảo vệ môi trường, giáo dục tình yêu lao động, tinh thần tự nguyện và chia sẻ vì cộng đồng.

3. Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, quy định cụ thể mối quan hệ, ứng xử đúng mực, thân thiện giữa các cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên.

Tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để duy trì và đảm bảo hiệu quả các hoạt động ngoại khóa tập thể có tính cộng đồng - xã hội để học sinh, sinh viên được hoạt động trải nghiệm thực tế, góp phần giáo dục nhân cách, kỹ năng sống và định hướng thẩm mỹ lành mạnh cho học sinh, sinh viên.

4. Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông thường xuyên giáo dục học sinh thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; ở tất cả các phòng học đều có 5 Điều Bác Hồ dạy ở vị trí trang trọng để nhắc nhở học sinh hiểu, ghi nhớ và làm theo.

Duy trì nền nếp tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ vào tất cả các ngày học chính khóa; sử dụng các bài tập thể dục buổi sáng và giữa giờ hiện có hoặc biên soạn mới phù hợp với độ tuổi của học sinh.

5. Tăng cường đổi mới công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, tư vấn tâm lý, đối thoại với sinh viên, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm hỗ trợ và giáo dục cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, thực hiện văn hóa giao thông; trang bị các kỹ năng ứng xử phù hợp, không để xảy ra bạo lực trong nhà trường; đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần và tài sản của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên, đặc biệt là đối với các học sinh, sinh viên nữ.

6. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng phòng tránh đuối nước, tai nạn giao thông và tai nạn thương tích.

7. Về tổ chức mặc đồng phục của học sinh, sinh viên: Nếu có nhu cầu thì cơ sở giáo dục, đào tạo chỉ quy định về mẫu mã để gia đình học sinh tự may, sắm; Không thay đổi quy định đồng phục để thực hiện tiết kiệm, tránh lãng phí.

8. Thực hiện nghiêm túc phong trào thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Phát huy tính gương mẫu, tinh thần tự học, sáng tạo của cán bộ, nhà giáo; Đảm bảo kỷ cương trong nhà trường, khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, tình thương của thầy giáo, cô giáo đối với học trò.

II. Tổ chức thực hiện:

1. Đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo:

Chỉ đạo, phổ biến Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên và hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo nghiêm túc triển khai thực hiện; tăng cường vai trò giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách đội, cố vấn học tập và các tổ chức đoàn thể trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; đồng thời lồng ghép các nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và các hoạt động ngoại khóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các trường.

Tăng cường chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện về nguồn lực để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Hội đồng Đội duy trì hoạt động, xây dựng và hỗ trợ hoạt động cho các câu lạc bộ kỹ năng trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ;

2. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo và Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Công tác học sinh, sinh viên) trước ngày 15/6 hàng năm.

3. Vụ Công tác học sinh, sinh viên chủ trì phối hợp với các vụ bậc học và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị của các địa phương và cơ sở đào tạo, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng kết quả triển khai Chỉ thị trong cả nước tại hội nghị tổng kết năm học hàng năm.

4. Các Vụ: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên, Giáo dục Đại học, Giáo dục Chuyên nghiệp, Giáo dục Dân tộc, Pháp chế và Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị trong phạm vi quản lý của đơn vị.

Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả cán bộ công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước và các đơn vị liên quan để tổ chức quán triệt và thực hiện. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước; (để báo cáo)
- Văn phòng Quốc hội; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; (để báo cáo)
- Ban Tuyên giáo TW; (để báo cáo)
- Bộ trưởng; (để báo cáo)
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (để phối hợp);
- UBND tỉnh, TP trực thuộc TW; (để thực hiện)
- Các sở GDĐT; (để thực hiện)
- Các ĐH, trường ĐH, HV, CĐ, TCCN&DN; (để thực hiện)
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu : VT, Vụ CTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 1537/CT-BGDĐT năm 2014 tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục, đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 1537/CT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/05/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Quang Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản