Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 29 tháng 11 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ SỬ DỤNG CHẤT NỔ, XUNG ĐIỆN, CHẤT ĐỘC, NGHỀ, NGƯ CỤ CẤM ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN VÀ CÔNG TÁC BẢO VỆ, TÁI TẠO NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó đã quy định nghiêm cấm các hoạt động sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Công tác quản lý các hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện trong khai thác thủy sản đã được chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện từng bước có hiệu quả.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có chiều hướng tăng lên và diễn biến phức tạp như việc sử dụng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm để đánh bắt thủy sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến các hệ sinh thái. Nguyên nhân chính là công tác quản lý, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm chưa thực sự quyết liệt ở một số địa phương. Để kịp thời chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, từng bước đưa hoạt động khai thác thủy sản theo đúng các quy định pháp luật hiện hành nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Thực hiện nghiêm các quy định tại: Luật Thủy sản năm 2017; Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới; Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực Thủy sản và các văn bản có liên quan.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thủy sản đặc biệt là hậu quả của việc thực hiện hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, nghề, ngư cụ khai thác thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản đến ngư dân biết và thực hiện.

c) Huy động và khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

d) Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong việc nắm bắt thông tin về các đối tượng đã thực hiện, có nguy cơ thực hiện hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, nghề, ngư cụ khai thác thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

đ) Bố trí nguồn lực (nhân lực, vật lực) để các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ; chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng nước trọng điểm và các kênh rạch, ruộng lúa,... tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các đợt cao điểm để phát hiện và xử lý hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, nghề, ngư cụ khai thác thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.

e) Hàng năm, thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, thả bổ sung giống ra các thủy vực ngoài tự nhiên. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đưa việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trở thành phong trào thi đua thiết thực nhằm góp phần phục hồi và tái tạo quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm; Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế lồng ghép vào kế hoạch hàng năm hình thành phong trào thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sự đa dạng sinh học trên một số thủy vực tự nhiên của tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hoạt động sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản tại các thủy vực trong tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, sử dụng giấy phép khai thác thủy sản của các chủ tàu cá. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

b) Chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể định kỳ thực hiện thả các loài thủy sản truyền thống, bản địa, loài có giá trị kinh tế cao ra các vùng nước tự nhiên, thủy vực trên toàn tỉnh nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai về việc tăng cường công tác quản lý sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

3. Công an tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo Công an các huyện, thành phố và các phòng, ban chức năng của ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại vùng nước nội đồng (ao, hồ, ruộng nước, kênh mương, sông, suối); kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thủy sản, đặc biệt là các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về Sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

4. Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và xử lý nghiêm theo quy định.

5. Sở Công Thương phối hợp với Công an tỉnh thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất nổ công nghiệp trái phép.

6. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản, quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

7. Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, hằng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn có liên quan.

8. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai tổ chức quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên hồ Trị An. Tổ chức, phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản, tập trung kiểm tra các đối tượng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Khi phát hiện vi phạm lập biên bản và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Chỉ đạo lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật đối với hành vi buôn bán, sản xuất, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản. Chỉ đạo chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện (công cụ kích điện, điện lưới) để đánh bắt thủy sản tại các hồ, đập, sông ngòi, vùng kênh mương và nội đồng.

b) Xây dựng kế hoạch về việc tăng cường công tác quản lý sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản để triển khai thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương.

c) Bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư.

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để tàu cá và người dân địa phương khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn quản lý.

10. Các tổ chức Chính trị - xã hội, hiệp hội, hội ngành nghề liên quan

a) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai và các đoàn thể vận động phong trào nhân dân tích cực tham gia công tác phát hiện, đấu tranh, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

b) Hội Nông dân tỉnh phối hợp các Sở, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động hội viên, người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong hoạt động khai thác thủy sản.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên các quy định của pháp luật về thủy sản đặc biệt là hậu quả của việc thực hiện hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, nghề, ngư cụ khai thác thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.

11. Các cơ quan Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành và địa phương để tuyên truyền, đưa tin, bài viết, xây dựng phóng sự để hỗ trợ tuyên truyền, triển khai Chỉ thị.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung Chỉ thị này; định kỳ gửi báo cáo hằng năm (trước ngày 20/12) và đột xuất theo yêu cầu, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc triển khai và kết quả thực hiện của các Sở, ngành, địa phương; định kỳ hằng năm và đột xuất theo yêu cầu, tổng hợp, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo, xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Q. Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai;
- Chánh, các PCVP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.
(Khoa/Ctquanlyngucutsan/09.11-855)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Phi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 15/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/11/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản