Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 10 tháng 7 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách và nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; cùng với sự tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị, chủ cơ sở nên đến nay công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực; toàn tỉnh đã có 01 Nhà máy giết mổ, chế biến và 29 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, 01 chợ buôn bán, giết mổ gia cầm tập trung được đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giết mổ cho hơn 1.200 hộ của 152 xã, phường, thị trấn. Nhiều địa phương tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, thực hiện tốt nên công tác quản lý giết mổ bước đầu đi vào nề nếp, số xã có người hành nghề đưa gia súc vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung cao như: Cẩm Xuyên 6/6 cơ sở (theo kế hoạch), tỷ lệ giết mổ tập trung lợn 90%, bò 100%; Hương Sơn 3/3 cơ sở, tỷ lệ giết mổ tập trung lợn 95%, bò 90%; Lộc Hà 3/3 cơ sở, tỷ lệ giết mổ tập trung lợn 85%, bò 75%; Thạch Hà 5/6 cơ sở, tỷ lệ giết mổ tập trung lợn 82%, bò 100%; thị Hồng Lĩnh 1/1 cơ sở tỷ lệ giết mổ tập trung lợn 86%, bò 100%.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hoặc số lượng đạt thấp so với kế hoạch, cụ thể: Hương Khê (1 cơ sở đang xây dựng, 2 cơ sở chưa giao đất cho chủ đầu tư), Vũ Quang (1 cơ sở đang xây dựng, 1 cơ sở chưa giao đất cho chủ đầu tư), Nghi Xuân (1 cơ sở đã hoạt động, 2 cơ sở chưa giao đất cho chủ đầu tư), Đức Thọ (2 cơ sở đã hoạt động, 2 cơ sở chưa giao đất cho chủ đầu tư)…; một số cơ sở đã hoàn thành nhưng số hộ hành nghề đưa gia súc vào giết mổ ít như: Song Lộc (lợn 0%), Kỳ Lâm (lợn 31%), Đức Dũng (lợn 50%)…; hệ thống xử lý chất thải và các yêu cầu vệ sinh môi trường ở một số cơ sở chưa đảm bảo. Đặc biệt còn 8 cơ sở cần xây dựng theo kế hoạch nhưng chưa bố trí được địa điểm hoặc chưa có chủ đầu tư (Hương Khê 2 cơ sở, Nghi Xuân 2 cơ sở, Đức Thọ 2 cơ sở, Vũ Quang 1 cơ sở, Can Lộc 1 cơ sở).

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, yếu kém nêu trên là do nhận thức của chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm chưa cao nên chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; việc tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt; công tác tham mưu của đội ngũ chuyên môn cấp huyện chưa tốt. Ủy ban nhân dân tỉnh phê bình nghiêm khắc Ủy ban nhân dân các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Nghi Xuân, Đức Thọ do thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt đối với công tác quản lý giết mổ, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; đảm bảo trong năm 2015, 100% người hành nghề giết mổ vào hành nghề tại các cơ sở giết mổ tập trung, 100% gia súc được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung nhằm cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 4211/CT-BNN-TY ngày 29/5/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về quy định, ý nghĩa, sự cần thiết để toàn bộ người hành nghề giết mổ tự giác đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung. Khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung áp dụng dây chuyền công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm (công nghiệp, bán công nghiệp, giết mổ treo…);

- Đối với các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc tập trung chỉ đạo các phòng chức năng, chính quyền cấp xã bố trí địa điểm, hoàn thiện thủ tục giao đất đối với các cơ sở còn lại cho Chủ đầu tư trong tháng 7 và triển khai xây dựng trong tháng 8 năm 2015; đảm bảo trong năm 2015, tất cả các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn đi vào hoạt động có hiệu quả theo kế hoạch;

- Đối với các huyện, thành phố, thị xã có cơ sở giết mổ tập trung đã hoàn thiện đưa vào hoạt động, phải tăng cường công tác quản lý; bố trí cán bộ Thú y có đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm trực tiếp thực hiện kiểm soát giết mổ đảm bảo quy trình; đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý tại chợ và nơi có buôn bán thịt gia súc, gia cầm; Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý để xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn để đưa toàn bộ gia súc vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung theo quy định. Yêu cầu người hành nghề khi đưa gia súc đến cơ sở giết mổ phải có giấy chứng nhận tiêm phòng; xác nhận của cán bộ thú y cấp xã tại nơi chăn nuôi không có dịch xảy ra, động vật không bị bệnh hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định;

- Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra các vi phạm trong công tác quản lý giết mổ trên địa bàn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã tổ chức xây dựng cơ sở giết mổ tập trung và thực hiện công tác quản lý giết mổ đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ đúng quy định;

- Hướng dẫn việc áp dụng dây chuyền công nghệ, quy trình kỹ thuật kiểm soát giết mổ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và giúp các địa phương trong công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện kiểm soát giết mổ;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương.

3. Sở Y tế: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thường xuyên cập nhật, bổ sung danh mục quy định chất phụ gia, chất hỗ trợ dùng trong giết mổ động vật; sơ chế, chế biến sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường, tổ chức thanh tra, kiểm tra các điều kiện về vệ sinh môi trường tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm nghiêm túc, chặt chẽ theo quy định.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thu, nộp, sử dụng các khoản phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh, giết mổ; nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính để phục vụ công tác quản lý giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chỉ sử dụng thịt gia súc, gia cầm đã được kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y; người hành nghề chấp hành nghiêm chỉnh việc đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.

7. Các Sở, ngành: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh và cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các hoạt động kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

8. Đề nghị UBMTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên chủ động tham gia và chấp hành tốt các quy định về kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng 3;
- Bí thư, các PBT Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh;
- Chánh, Phó VP/UB (theo dõi nông lâm);
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, TM, NL, VX, NL.
- Gửi VB giấy (112b) và ĐT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 15/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Đình Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản