- 1Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 2Luật khoáng sản 2010
- 3Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 15/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản
- 5Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Thái Nguyên, ngày 21 tháng 6 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động khoáng sản đã từng bước được chấn chỉnh, dần đi vào nề nếp và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Thiếu sự tập trung, đồng bộ trong công tác quản lý của các sở, ngành; tại một số địa phương cấp huyện, công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản còn chưa được quan tâm đúng mức, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên và kém hiệu quả; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản chưa tốt, tình trạng ô nhiễm môi trường, xuống cấp của hệ thống giao thông, sạt lở đất, gây mất an toàn tại các khu vực khai thác và bãi thải vẫn còn xảy ra; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở một số địa phương…
Nhằm triển khai thực hiện tốt pháp luật về khoáng sản và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đưa các hoạt động khoáng sản trên địa bàn đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong quản lý, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Trình UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện “Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015” sau khi Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản và Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2012; Quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tiến tới thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn; triển khai việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình thụ lý hồ sơ, tham mưu cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các đơn vị được cấp giấy phép khai thác trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai liên quan đến hoạt động khoáng sản. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/12/2012.
- Tham mưu cho UBND tỉnh quyết định hoặc đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp đối với các đơn vị khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn lao động, có nguy cơ xảy ra sự cố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
- Chỉ đạo Đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành của tỉnh đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Công Thương:
- Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ, thiết kế mỏ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện thiết kế mỏ, quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Kiên quyết đình chỉ việc nổ mìn, thu hồi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với những mỏ, điểm mỏ không đảm bảo an toàn theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND cấp huyện tham mưu cho UBND tỉnh trong việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập các quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo quy định của Luật khoáng sản 2010, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội việc sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND cấp huyện thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép và các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho UBND tỉnh khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
3. Sở Xây dựng:
- Nâng cao chất lượng trong việc tham gia ý kiến đối với thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư khai thác mỏ (đặc biệt đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng).
- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND cấp huyện tham mưu cho UBND tỉnh trong việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập các quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo quy định của Luật khoáng sản 2010.
- Tăng cường công tác quản lý việc khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng; đảm bảo việc khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng phải gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan và an toàn lao động; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho UBND tỉnh khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND cấp huyện kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động, kiểm tra việc đào tạo, sử dụng lao động và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động của các đơn vị khai thác khoáng sản.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND cấp huyện kiểm tra, xử lý các hoạt động khoáng sản ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp, các công trình thuỷ lợi, đê, kè, cầu, cống; Tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, nhất là với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, quản lý lâm sản khác theo quy định của Luật Bảo vệ rừng. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho UBND tỉnh khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các trường hợp khai thác, tập kết cát sỏi vi phạm hành lang an toàn đê điều, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão.
6. Sở Tài chính chủ động rà soát, kịp thời cập nhật giá các loại khoáng sản để tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với giá biến động của thị trường. Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật khoáng sản 2010.
7. Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện vận chuyển khoáng sản vi phạm các quy định về giao thông trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho UBND tỉnh khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
8. Cục Thuế tỉnh thường xuyên kiểm tra, đối chiếu khối lượng kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kê khai, thu nộp các loại thuế, phí bảo đảm thu đúng, đủ theo quy định, không để thất thu ngân sách nhà nước.
9. Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Sở Công thương, Sở Xây dựng thẩm định công nghệ sử dụng trong các dự án, hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh.
10. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với ngành có liên quan trong việc cấp Đăng ký kinh doanh, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đối với hoạt động có liên quan đến khoáng sản.
11. Công an tỉnh:
- Thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản; chủ trì trong việc điều tra, triệt phá các đường dây, các tổ chức, cá nhân chuyên tổ chức khai thác, thu mua, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép; Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh thực hiện các biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự khu vực có khoáng sản.
- Phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố ngăn chặn, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản. Kiên quyết xử lý các chủ phương tiện vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc, không có hoá đơn chứng từ hợp pháp, vi phạm quy định về an toàn giao thông.
12. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho UBND tỉnh khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
- Hỗ trợ UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường lực lượng bảo vệ khoáng sản, ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
13. Báo, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền giúp nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật về khoáng sản, quyền lợi, trách nhiệm của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản để cùng tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, kịp thời phát hiện các vi phạm; kịp thời chuyển các kiến nghị của bạn đọc, xem truyền hình, nghe đài đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp luật.
14. UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh:
- Xây dựng Đề án quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn để tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương. Trong đó chú trọng đến việc đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản; giám sát, kiểm tra các đơn vị được cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đất đai, bảo vệ an toàn hệ thống cầu đường, an toàn lao động, đóng góp nghĩa vụ ngân sách nhà nước, đóng góp xây dựng và bảo vệ công trình hạ tầng cơ sở...
- Tập trung ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; tổ chức kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển, bến bãi tập kết khoáng sản trên địa bàn. Trong năm 2012 tập trung giải quyết tình trạng khai thác trái phép một số loại khoáng sản: lợi dụng thăm dò cát sỏi để khai thác vàng trái phép tại Võ Nhai, quặng sắt tại Đồng Hỷ, Titan tại Phú Lương, đất san lấp mặt bằng, sét làm gạch ngói, cát sỏi lòng sông trên địa bàn toàn tỉnh...
- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn. Những trường hợp không kịp thời ngăn chặn, xử lý (lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đến cấp có thẩm quyền giải quyết) mà bị phát hiện hoặc để vi phạm xảy ra liên tục, nhiều lần trên cùng một địa bàn nhưng không báo cáo kịp thời thì Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm cá nhân và kiểm điểm trước Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Khi cần thiết, huy động và chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phối hợp để giải tỏa, ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản trái phép, xử phạt, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và bắt buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật
- Phối hợp với ngành chức năng của tỉnh trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý. Chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh biện pháp xử lý kịp thời.
- Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản ở địa phương, kịp thời đưa tin, công bố các tổ chức doanh nghiệp có vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản, các xóm (thôn), xã có hoạt động khoáng sản trái phép; tổ chức hội nghị để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về khoáng sản, quy định của UBND tỉnh đến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cấp xã và xóm.
15. Các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản:
- Phải thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ định của giấp phép và các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; tuân thủ thiết kế mỏ, quy trình, quy phạm trong hoạt động khoáng sản, bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh lao động; có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trên diện tích được cấp phép; khai thác hợp lý, tiết kiệm, tận thu tối đa khoáng sản; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; thực hiện các quy định về quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội tại địa phương nơi có mỏ được khai thác; thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với nhà nước và bảo đảm quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; thực hiện các quy định về ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, môi sinh, đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.
- Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển khoáng sản phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn giao thông, sử dụng phương tiện có tải trọng theo đúng đăng ký, phù hợp với hạ tầng khu vực vận chuyển; bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển khoáng sản.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 05/02/2008 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản của Chủ tịch UBND tỉnh.
Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này ./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 04/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 34/2014/QĐ-UBND Quy định quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 3Quyết định 591/QĐ-UBND năm 2015 về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 4Chỉ thị 02/CT-CTUBND năm 2013 về tăng cường công tác quản lý nhà nước các hoạt động khoáng sản do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 1Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 2Luật khoáng sản 2010
- 3Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 15/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản
- 5Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản
- 6Quyết định 04/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 7Quyết định 34/2014/QĐ-UBND Quy định quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 8Quyết định 591/QĐ-UBND năm 2015 về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 9Chỉ thị 02/CT-CTUBND năm 2013 về tăng cường công tác quản lý nhà nước các hoạt động khoáng sản do tỉnh Quảng Bình ban hành
Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản tỉnh Thái Nguyên
- Số hiệu: 15/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 21/06/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
- Người ký: Dương Ngọc Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/06/2012
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực