ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 4 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG BỆNH, PHÒNG VÀ CHỐNG DỊCH, GIỮ GÌN VỆ SINH TP
Những năm qua, được sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và Ủy ban Nhân dân các cấp, ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp với các ban, ngành, sở liên quan nên công tác phòng bệnh, phòng và chóng dịch, giữ gìn vệ sinh thành phố từng bước được cải thiện và đạt một số kết quả phấn khởi.
Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành quy định tạm thời về giữ gìn vệ sinh thành phố và phạt vi cảnh, tuy nhiên do chưa quán triệt đầy đủ phương châm phòng bệnh là chính và công tác bảo vệ sức khỏe là sự nghiệp của mọi người nên một số nơi còn khoán trắng công việc này cho ngành y tế và chưa có những biện pháp kịp thời, triệt để trong việc phòng bệnh, phòng chống dịch và giữ gìn vệ sinh thành phố. Ở nông thôn, việc xây dựng cầu tiêu hai ngăn, ủ phân tại chỗ triển khai còn rất chậm, việc dùng phân tươi để bón ruộng, bón rau, tưới cây, … còn phổ biến. Ở nội thành, hố xí hợp vệ sinh còn thiếu nghiêm trọng, nhất là ở những khu xóm lao động; cầu tiêu công cộng còn quá ít, chưa đáp ứng được sinh hoạt của nhân dân; ở các khu vực đông người như các chợ, khu vực buôn bán chợ trời, các vỉa hè có người ở, bến xe, bến tàu, v.v… việc phóng uế rất bừa bãi đã gây mất vệ sinh nặng nề và ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố; vệ sinh trong cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp, công nông trường, cửa hàng ăn uống, v.v… còn kém; ruồi, muỗi, chuột phát triển; công tác tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp, vệ sinh trong việc chế biến, bảo quản lương thực thực phẩm chưa bảo đảm đúng quy cách. Việc thực hiện quy định tạm thời về giữ gìn vệ sinh thành phố và phạt vi cảnh do quyết định số 21/QĐ-UB ngày 25-1-`1980 của Ủy ban Nhân dân thành phố chưa được triển khai mạnh, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục và kiểm tra, xử lý.
Những thiếu sót trên cộng với tình hình xã hội phức tạp (chợ trời phát triển; người đi vùng kinh tế mới bỏ về, …) đã gây những tác hại nghiêm trọng đến tình hình vệ sinh của thành phố; một số bệnh nguy hiểm đã phát triển kéo dài và có nguy cơ trở thành dịch đe dọa sinh mạng, sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng đến sức lao động và năng lực sản xuất của xã hội.
Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta phải hết sức quan tâm để kịp thời và thường xuyên chỉ đạo công tác phòng bệnh, phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh thành phố trong thời gian tới nhằm đạt các yêu cầu sau đây:
1) Giáo dục ý thức phòng bệnh, phòng chống dịch và giữ gìn vệ sinh công cộng cho mọi người, mọi ngành, mọi cấp, làm cho nhân dân và các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị thấy được lợi ích của công tác phòng và chống dịch đồng thời thấy được tác hại to lớn của các dịch bệnh nguy hiểm, các nguồn lây lan do môi trường sống chung quanh gây nên (phân, nước, rác, vệ sinh công cộng) đối với sức khỏe, sinh mạng, tài sản, sản xuất cảu Nhà nước và nhân dân.
2) Chủ động không để dịch xảy ra, nếu có dịch thì có đủ điều kiện (cán bộ, phương tiện, thuốc men, ..) và tập trung mọi nỗ lực dập tắt kịp thời không để lây lan thành dịch lớn trong thành phố. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng đạt tỷ lệ 100% ở các ổ dịch, vận động quần chúng tham gia phong trào 3 diệt (ruồi, muỗi, chuột), xây dựng cầu tiêu, 2 ngăn ủ phân tại chỗ ở nông thôn, cầu tiêu công cộng hợp vệ sinh ở nội thành, giữ gìn vệ sinh công cộng (vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh học đường, vệ sinh hàng rong, vệ sinh ăn uống, v.v…).
Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị:
1) Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã phải chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng bệnh, phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh thành phố, có kế hoạch và biện pháp thực hiện cụ thể trong địa phương mình, từng thời gian có sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các Đoàn kiểm tra (gồm chính quyền, công an, y tế, đoàn thể …), kịp thời khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng những cá nhân, cơ quan, đơn vị làm tốt, đồng thời xử lý hoặc báo cáo cấp trên xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của Trung ương và thành phố về giữ gìn vệ sinh thành phố.
2) Ngành y tế vừa là cơ quan chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn, phục vụ kịp thời và có hiệu quả mọi yêu cầu của công tác phòng bệnh, phòng chống dịch trong thành phố, vừa làm chức năng tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, phòng chống dịch, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân chủ động phối hợp với Sở Công an và các đoàn thể tổ chức các Đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh thành phố.
3) Ngành công an, qua công tác quản lý chuyên môn, cần kiểm tra và tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh thành phố theo điều lệ phạt vi cảnh. Phạt vi cảnh cũng là biện pháp giáo dục rất hữu hiệu đối với những cá nhân, cơ quan, đơn vị không chấp hành đúng quy định giữ gìn vệ sinh thành phố. Cần triển khai nhanh việc xử phạt vi cảnh theo nghị định số 143-CP ngày 27-5-1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ về phạt vi cảnh và quyết định số 21/QĐ-UB ngày 25-1-1980 của Ủy ban Nhân dân thành phố về giữ gìn vệ sinh trong thành phố và xử phạt vi cảnh. Đối với các cơ quan, đơn vị vi phạm, ngoài việc phạt vi cảnh tại chỗ, cần lập biên bản báo cáo cho cơ quan cấp trên của cơ quan, đơn vị ấy biết để có biện pháp giáo dục, kỷ luật nội bộ.
4) Ngành văn hóa và thôn gtin cần có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, vệ sinh công cộng, giữ gìn nếp sống văn minh trong thành phố; phổ biến rộng rãi điều lệ vệ sinh của Hội đồng Chính phủ và quy định tạm thời về giữ gìn vệ sinh thành phố của Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành; đưa nội dung giữ gìn vệ sinh vào nội dung công tác của việc xây dựng nền văn hóa mới, nếp sống mới, …
5) Ủy ban kế hoạch thành phố xét và giải quyết các yêu cầu và vật tư, nhiên liệu, … sử dụng cho công tác phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh thành phố, nhất là trong những trường hợp có dịch xảy ra.
6) Sở Tài chánh xét và giải quyết các yêu cầu về kinh phí, tiền bồi dưỡng, tiền khen thưởng, v.v… phục vụ công tác này.
7) Ngành thương nghiệp, khách sạn và ăn uống cần phổ biến đầy đủ cách giữ gìn vệ sinh trong các khâu chế biện, bảo quản, vận chuyển, phân phối lương thực thực phẩm và phục vụ ăn uống của khách hàng; tổ chức các đoàn kiểm tra vệ sinh các cơ sở của ngành thương nghiệp, ngành phục vụ ăn uống, kiểm tra sức khỏe, bệnh tật của cán bộ, nhân viên phục vụ để kịp thời phát huy mặt tích cực và ngăn chặn những mặt tiêu cực của ngành mình trong việc phục vụ bữa ăn của cán bộ, công nhân viên và của nhân dân.
8) Ngành giáo dục chịu trách nhiệm phổ biến, giáo dục cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, giáo viên học sinh các cấp giữ vệ sinh công cộng và vệ sinh học đường, huy động mọi người trong ngành mình thường xuyên tham gia làm tổng vệ sinh đường phố, tham gia phong trào 3 diệt (ruồi, muỗi, chuột), 3 sạch (ăn sạch, ở sạch, uống sạch).
9) Ngành quản lý nhà đất và công trình công cộng có kế hoạch xử lý nhanh chóng phân, nước, rác, không để rác ứ đọng lâu ngày, xe chở rác phải hợp quy cách, không để rơi, vãi, không gây hôi thối trên đường vận chuyển; chịu trách nhiệm việc quản lý và xây mới tất cả các loại cầu tiêu công cộng trong thành phố, nhất là tại các nơi công cộng (bến xe, bến tàu, chợ, công viên, …), và đường phố có nhiều người qua lại (kể cả nghiên cứu chuyển một số căn phố thành cầu tiêu công cộng) đồng thời kịp thời giải quyết việc rút hầm cầu cho các hộ tập thể, cơ quan, đơn vị, hộ nhân dân.
10) Ngành nông nghiệp phối hợp với tổ chức nông hội các cấp giải quyết việc sản xuất phân và sử dụng các loại rác hợp vệ sinh, vận động nhân dân từng bước chấm dứt việc dùng phân tươi để bón rau, bón ruộng, nuôi cá.
11) Ngành chữ thập đỏ vận động cán bộ, nhân viên hội viên ngành mình tích cực tham gia vào các công tác phòng bệnh, phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh thành phố theo chỉ đạo và kế hoạch cảu chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp.
12) Thủ trưởng tất cả các ban, ngành, đoàn thể đều có trách nhiệm chỉ đạo ngành, đoàn thể mình phối hợp với cơ quan y tế tiến hành toàn diện công tác phòng bệnh, phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh thành phố; tổ chức việc phổ biến quy tắc, điều lệ vệ sinh trong ngành, trong đoàn thể mình; hướng dẫn xây dựng các nội quy cụ thể và thường xuyên đôn đốc việc kiểm tra thực hiện, kịp thời khen thưởng động viên người tốt việc tốt và xử lý nghiêm khắc những trường hợp sai phạm.
Mỗi ngành, mỗi cấp nêu cao trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo và tổ chức thực hiện cụ thể, công tác phòng chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh thành phố nhất định sẽ có nhiều tiến bộ góp phần đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 15/CT-UB năm 1980 về việc tăng cường công tác phòng bệnh, phòng và chống dịch, giữ gìn vệ sinh thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 15/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/04/1980
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Quang Chánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/04/1980
- Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực