Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------

Số: 15/2005/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 6 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Hiện nay, bệnh Lở mồm long móng (LMLM) tại các tỉnh diễn biến rất phức tạp. Bệnh lở mồm long móng do virus type A trên trâu bò đã xảy ra tại 10 tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang); bệnh lở mồm long móng type A trên heo đã xảy ra tại 4 tỉnh (Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang). Trong khi đó 80-85 % heo hơi và 98 % trâu bò hơi từ các tỉnh, thành của cả nước đưa về thành phố giết mổ, hay đã giết mổ sẵn từ các tỉnh lân cận đưa về thành phố tiêu thụ.

Tính từ đầu năm đến tháng 5 năm 2005, tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố đã phát hiện và xử lý 77 con heo có bệnh tích lở mồm long móng (riêng trong 2 tuần lễ từ ngày 20 tháng 4 năm 2005 đến ngày 03 tháng 5 năm 2005 có đến 48 con). Nguồn gốc nhập nhiều nhất từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc, trong đó có những con heo đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và tiêm phòng.

Trong thời gian qua đàn heo của thành phố từ năm 1997 đến nay chỉ sử dụng vaccin Aftopor type O, nên hiện nay áp lực dịch lở mồm long móng cả 2 type thường xuyên đe dọa đến sức khỏe của đàn gia súc thành phố.

Để đảm bảo ổn định tình hình an sinh xã hội, phòng tránh khả năng dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, gây hậu quả tác động xấu đến kinh tế, xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các quận, huyện, các Sở, ngành, các doanh nghiệp chăn nuôi khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách sau đây:

1. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, các Sở, ngành và các Tổng Công ty có cơ sở sản xuất giống cần có kế hoạch chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện ngay :

1.1- Quyết định số 31/QĐ-UB ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành về Phương án quy hoạch về hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và Qui định về hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung thực hiện mục tiêu của thành phố đến tháng 6 năm 2005 chấm dứt tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép.

1.2- Quyết định số 723/QĐ-UB ngày 18 tháng 02 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Chỉ đạo các Phòng ban và Ủy ban nhân dân các phường, xã tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan, thực hiện có hiệu quả công tác chống giết mổ trái phép gia súc, gia cầm, công tác phòng, chống dịch bệnh phục vụ mục tiêu phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

2. Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y triển khai khẩn cấp các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật :

2.1- Khẩn trương xây dựng, củng cố hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh: củng cố mạng lưới thú y, phối hợp với Hội, đoàn thể các quận, huyện chăn nuôi trọng điểm để xây dựng hệ thống giám sát, tiếp nhận thông tin dịch bệnh nhằm đảm bảo thu thập thông tin dịch bệnh kịp thời, hiệu quả và triển khai xuyên suốt đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, từ ấp, khu phố, xã phường, đến Trạm Thú y quận-huyện và Trạm chuyên ngành để kiểm tra chặt chẽ tình hình dịch tễ các địa bàn. Cung cấp thông tin dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi để phối hợp tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

2.2- Đẩy mạnh công tác tiêm phòng lở mồm long móng, chú ý nâng cao tỉ lệ tiêm phòng, đạt tỉ lệ trên 80 % của tổng đàn khu vực chăn nuôi trọng điểm, gần các trục lộ vận chuyển gia súc, các cơ sở giết mổ và 100% của tổng đàn tại vùng ổ dịch cũ, Tổ chức đợt tiêm phòng đại trà cho heo bằng vaccin vô hoạt đa giá type A, O, ưu tiên các cơ sở giống, chăn nuôi tập trung.

Chi cục Thú y phối hợp với Trung tâm Thú y vùng thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở giống để thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn, tính tương đồng của kháng nguyên và hiệu lực theo chỉ đạo của Cục Thú y tại Công văn số 334/TY-QLT ngày 29 tháng 3 năm 2005.

2.3- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Lở mồm long móng.

- Đẩy mạnh việc xây dựng, công nhận vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Tiếp tục tăng cường phối hợp với Chi cục thú y các tỉnh thực hiện việc "Phòng, dịch tầm xa".

- Tiếp tục thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tỷ lệ lưu hành bệnh Lở mồm long móng; và lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra hiệu giá kháng thể sau khi tiêm phòng.

- Triển khai Sổ theo dõi tình hình dịch tễ các cơ sở chăn nuôi tập trung.

2.4- Tăng cường công tác kiểm dịch động vật :

- Tăng cường công tác kiểm tra tại chỗ và cơ động: kiểm dịch vận chuyển, giết mổ lậu, kiểm tra tại các Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông.

- Kiểm tra lâm sàng chặt chẽ tại các lò mổ, trong đó tập trung chú ý các nguồn gia súc có nguồn gốc từ Hà Tây, Nghệ An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang.

3. Giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 31/QĐ-UB ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và Qui định về hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố.

4. Giao Chi cục Quản lý thị trường thành phố chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận-huyện, lực lượng Công an, Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ lậu gia súc, kiên quyết xử lý các trường hợp giết mổ lậu, vận chuyển gia súc trái phép, không qua kiểm dịch thú y.

5. Giao các Tổng công ty có cơ sở sản xuất giống khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch lở mồm long móng và xây dựng các biện pháp giám sát, phòng, chống chặt chẽ theo quy định của luật thú y tại các cơ sở sản xuất giống.

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo các quận-huyện, Tổng Công ty, doanh nghiệp có liên quan thực hiện các biện pháp nói trên, phối hợp hỗ trợ Sở Thương mại thực hiện các nhiệm vụ được giao, và báo cáo Thường trực ủy ban nhân dân thành phố kết quả triển khai vào cuối tháng 6 năm 2005, và cuối tháng 8 năm 2005.

Nhằm để ngăn chặn xử lý kịp thời và phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các doanh nghiệp chăn nuôi khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy ;
- Thường trực HĐND.TP ;
- TTUB : CT, các PCT ;
- Sở Nông nghiệp và PTNT ;
- Sở Thương mại, Sở Y tế ;
- Công an thành phố ;
- Hội Nông dân thành phố ;
- UBND các quận-huyện ;
- Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn ;
- Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn ;
- Chi cục Thú y ;
- Chi cục Quản lý thị trường ;
- VPHĐ-UB: CVP, PVP/KT ;
- Tổ CNN, TM ;
- Lưu (CNN/Đ) MH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/2005/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 15/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/06/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/06/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản