Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2001/CT-UB

Đà Lạt,, ngày 05 tháng 07 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI ĐỐI VỚI VÙNG MIỀN NÚI, VÙNG ĐỒNG BÀO ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRONG TỈNH

Trong những năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với miền núi, vùng đồng bào đặc biệt khó khăn của Đảng và Nhà nước, đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực. Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, các ngành, các cấp và các doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong quá trình thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển và cấp phát không thu tiền một số mặt hàng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (nói chung) và chính sách trợ giá, trợ cước, vận chuyển (nói riêng) trên phạm vi toàn tỉnh vẫn còn có những thiếu sót và sai phạm. Như hiệu quả của chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển chưa cao, nhân dân chưa thấy rõ được ý nghĩa về sự hỗ trợ của Nhà nước; việc cấp phát không thu tiền một số mặt hàng còn mang tính bình quân, dàn trải, chưa bình xét từ cơ sở để xác định đúng đối tượng; còn có một số trường hợp lợi dụng chính sách trợ giá, trợ cước để thu lợi bất chính...

Trước tình hình trên, để năng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc tại địa phương. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp và giám đốc các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển và cấp không thu tiền một số mặt hàng hóa cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện một số công việc sau đây:

1. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 và các văn bản của Chính phủ là nhằm mục đích hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc ở những địa bàn có trình độ phát triển kinh tế-xã hội còn thấp, đời sống còn thiếu khó khăn hơn vùng đồng bằng và các khu đô thị,... Chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa lên miền núi là để đồng bào ở vùng sâu, vùng xa mua được vật tư, hàng hóa với giá không qua chênh lệch so với miền xuôi. Cần chấn chỉnh ngay nhận thức sai lệch khi cho rằng Nhà nước trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa lên miền núi là hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân kinh doanh những mặt hàng ấy.

2. Hàng năm, nguồn kinh phí của Trung ương ủy quyền chuyển về và kinh phí cân đối, bố trí thêm từ ngân sách địa phương cho chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển và cấp không thu tiền một số hàng hóa là rất hạn chế so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, để phát huy hiệu quả thực sự của chính sách này cần phải tập trung ưu tiên cho đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn, không chia đều, dàn trải.

Từ nay trở đi, hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu kinh phí thực hiện chính sách miền núi được TW ủy quyền và số cân đối từ ngân sách địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc và Miền núi, Sở Tài chính vật giá xây dựng phương án thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển và cấp phát không thu tiền một số mặt hàng theo danh mục quy định của Nhà nước. Sau khi tổ chức họp lấy ý kiến tham gia của các ngành hữu quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thương mại, Sở y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo), UBND cấp huyện và một số doanh nghiệp để thống nhất phương án trình UBND tỉnh quyết định trước ngày 28/2/hàng năm (kèm theo biên bản cuộc họp).

3. Sở Tài chính vật giá có trách nhiệm hướng dẫn về nguyên tắc, thủ tục cấp phát kinh phí, về việc lập hồ sơ thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành. Trực tiếp nhận và cấp phát nguồn kinh phí ủy quyền của TW cho các đơn vị được phân công thực hiện cung ứng vật tư, hàng hóa trong danh mục trợ giá, trợ cước vận chuyển; cấp phát không thu tiền một số mặt hàng (sau khi có xác nhận của Ban Dân tộc và Miền núi). Phối hợp với Ban Dân tộc và Miền núi tổng hợp, giúp UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện và quyết toán kinh phí với TW theo quy định.

4. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội miền núi trên địa bàn. Phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi và giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân tại địa phương mình. Thực hiện đầy đủ và đúng quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền trong việc bình xét từ cơ sở để lập danh sách đối tượng ở địa bàn đặc biệt khó khăn được cấp phát không thu tiền các mặt hàng: muối i ốt, dầu lửa, máy thu thanh đơn giản, giấy vở học sinh, khám bệnh và cấp thuộc chữa bệnh không thu tiền.

5. Các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân được giao thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển, cấp phát không thu tiền một số mặt hàng có trách nhiệm thực thi đầy đủ các quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Không được lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi hoặc có những hành vi gây thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân. Báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ tháng, quí và cả năm về Ban Dân tộc và Miền núi và các ngành chức năng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6. Ban Dân tộc và Miền núi là cơ quan chủ trì thực hiện chính sách miền núi của tỉnh, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về chính sách trợ giá, trợ cước để nhân dân biết, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ này. Chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp kinh phí trợ giá, trợ cước vận chuyển của các đơn vị. Thường xuyên theo dõi và giám sát việc thực hiện của các ngành, các cấp và các đơn vị, giúp UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với ủy ban Dân tộc Miền núi, các Bộ chức năng theo quy định.

7. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thương mại, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc và Miền núi, Sở Tài chính vật giá trong việc xây dựng phương án thực hiện chỉ tiêu trợ giá, trợ cước; thông báo hoặc hướng dẫn danh mục sản phẩm trong chỉ tiêu được Nhà nước trợ giá, trợ cước vận chuyển hoặc cấp phát không thu tiền đúng quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

8. Nhận được chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và giám đốc các doanh nghiệp, thủ trưởng các cơ quan hữu quan nghiêm chỉnh thi hành. Giao cho Trưởng Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh theo dõi, định kỳ 3 tháng một lần báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.

 

 

 

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Phan Thiên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/2001/CT-UB về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ về kinh tế-xã hội đối với vùng miền núi, vùng đồng bào đặc biệt khó khăn trong tỉnh do Tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 15/2001/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/07/2001
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phan Thiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản