Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 147-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 1977

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG NGUỒN HÀNG TRONG TAY NHÀ NƯỚC, TIẾN HÀNH PHÂN PHỐI THEO KẾ HOẠCH, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THU CHI TIỀN MẶT VÀ THU CHI TÀI CHÍNH TẠI CÁC TỈNH PHÍA NAM

Từ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại các tỉnh phía Nam, chính quyền cách mạng đã áp dụng nhiều biện pháp quan trọng nhằm giữ vững và phát triển sản xuất, giải quyết đời sống của nhân dân. Nhưng do hậu quả nặng nề của chiến tranh và của chủ nghĩa thực dân mới, do giai cấp tư sản có lực lượng vật chất quan trọng (tiền, vàng, tồn kho hàng hóa…) và lợi dụng những nhược điểm, khuyết điểm và sơ hở của ta trong công tác quản lý kinh tế để hoạt động đầu cơ tích trữ, nên nền kinh tế miền Nam đang có nhiều khó khăn mà biểu hiện tập trung nhất là thị trường và giá cả không ổn định. Nhiều mặt hàng vốn là ưu thế của miền Nam như cá, nước mắm, rau quả… nhưng giá cả cũng bị đẩy lên cao một cách giả tạo; quan hệ giữa hàng hóa và tiền tệ đã mất cân đối, nhưng việc rút bớt khối lượng tiền thừa trong lưu thông có nhiều trở ngại, trong khi đó yêu cầu chi tiền mặt để thu mua nắm nguồn hàng, đầu tư vào nông nghiệp, thủy lợi, xây dựng vùng kinh tế mới… đang đòi hỏi rất cấp bách.

Về phía chủ quan, công tác phân phối hàng hóa, quản lý tiền mặt và tài chính còn nhiều mặt chủ yếu:

- Nguồn hàng tập trung trong tay Nhà nước để bán ra còn mỏng và chưa được quản lý chặt: vật tư, xăng dầu… cung cấp thì nhiều, nhưng lương thực, rau, cá và các loại nông sản khác… Nhà nước nắm không tương xứng, sản phẩm của các cơ sở sản xuất của Nhà nước, nhất là một số hàng công nghiệp thiết yếu, chưa được thống nhất tiêu thụ toàn bộ qua thương nghiệp quốc doanh; một số địa phương có hàng bán ra không kịp thời để hư hỏng mất phẩm chất; số hàng hóa bán chịu cho dân cũng còn khá lớn.

- Tổ chức mạng lưới bán hàng để thu tiền về còn lúng túng và yếu. Phương thức phân phối hàng hóa chưa thống nhất và có nhiều sơ hở, hàng Nhà nước bị chạy ra ngoài nhiều. Hàng còn phân phối bình quân, chưa được ưu tiên đúng mức cho các vùng trọng điểm thu mua và kết hợp với yêu cầu điều hòa lưu thông tiền tệ theo khu vực. Một số cán bộ các cơ quan, đoàn thể lợi dụng quyền hành đã phân phối cho gia đình và người thân quá mức, cho nên phần dành bán lẻ cho dân không còn bao nhiêu. Tình trạng phân phối không công bằng đó khiến nhân dân kêu ca, phàn nàn nhiều, làm giảm uy tín của chính quyền.

- Một số nơi vẫn còn tình trạng tự tiện “cấm chợ ngăn sông” khiến thị trường bị chia cắt và khẩn trương giả tạo; giao lưu hàng hóa giữa các vùng trong nước chưa được tổ chức tốt, tình trạng  lợi dụng buôn bán đầu cơ giữa hai miền có chiều hướng phát triển.

- Các nguồn thu về tài chính, phục vụ, tiền gửi tiết kiệm cũng rất yếu. Việc chi tiêu tài chính chưa đưa vào chế độ chặt chẽ và tiết kiệm.

- Nhiều cơ quan, xí nghiệp và tổ chức kinh tế không chấp hành đúng chế độ quản lý tiền mặt và chế độ thanh toán của Nhà nước: thu được tiền mặt không nộp vào ngân hàng, rút tiền ở ngân hàng về giữ tại quỹ để chi tiêu không đúng chính sách và chế độ đã quy định, thậm chí có điều kiện cũng không thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng…

Để từng bước ổn định thị trường, giá cả và tiền tệ, khắc phục khó khăn, đưa nền kinh tế miền Nam tiến lên vững chắc, một mặt, phải vừa cải tạo vừa xây dựng; trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, trước hết là cải tạo tư sản thương nghiệp, đi đôi với việc gấp rút xây dựng và tăng cường về mọi mặt lực lượng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (Chính phủ sẽ có các chỉ thị cụ thể về vấn đề này). Mặt khác, phải đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm khối lượng hàng hóa trong lưu thông, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, là mục tiêu phấn đấu thường xuyên của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất và kinh doanh.

Trong phiên họp ngày 10 tháng 3 năm 1977, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã nhấn mạnh vấn đề có ý nghĩa quan trọng và có tính cấp bách hiện nay là tập trung nguồn hàng trong tay Nhà nước, tiến hành phân phối theo chính sách và kế hoạch, tăng cường quản lý thu chi tiền mặt và tăng cường quản lý thu chi ngân sách. Cụ thể như sau:

1. Các ngành thương nghiệp phải vươn lên làm tốt công tác thu mua và phân phối hàng hóa thông qua hợp đồng hai chiều với nông dân, nông dân sau khi bán nông sản là có một số vật tư hàng hóa để mua. Từ nay, vật tư nông nghiệp (bao gồm cả thức ăn gia súc, hàng công nghệ, vật liệu xây dựng…) đưa về nông thôn nhất thiết phải được gắn liền với kế hoạch thu mua để bán theo hợp đồng, bán thưởng, hoặc bán bình thường cho nông dân. Trong khi chưa có chính sách cung cấp lương thực thường xuyên cho các vùng chuyên trồng cây công nghiệp ở các tỉnh phía Nam, Bộ Lương thực và thực phẩm cần dành một số lương thực để bán theo hợp đồng thu mua sản phẩm cây công nghiệp ở những nơi thật cần thiết.

Tất cả các loại sản phẩm của các cơ sở sản xuất công, nông nghiệp quốc doanh nhất thiết phải tiêu thụ qua thương nghiệp của Nhà nước; nghiêm cấm việc trực tiếp bán lẻ sản phẩm ra thị trường. Trong khi giao nộp sản phẩm, mặt hàng nào còn vướng mắc về giá cả thì phải bàn với cơ quan vật giá để giải quyết kịp thời. Những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu của ngành ngoại thương cũng phải giao cho nội thương thống nhất phân phối, không được trao đổi với các cơ quan khác hoặc bán trong nội bộ của các cơ quan ngoại thương.

Các xí nghiệp tư bản, các hợp tác xã, tập đoàn và cơ sở sản xuất thủ công cá thể được Nhà nước cung cấp lương thực, máy móc thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, điện, cho vay vốn… phải bán sản phẩm cho cơ quan thương nghiệp của Nhà nước.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư, Ngân hàng Nhà nước cần soát lại kế hoạch phân phối vật tư, hàng hóa cho các tỉnh, bảo đảm việc đưa vật tư hàng hóa ra phục vụ tốt kế hoạch thu mua và tổ chức tốt quan hệ tiền hàng từng khu vực.

Ngành nội thương, Ủy ban nhân dân các thành phố, tỉnh, huyện phải tổ chức ngay các đoàn kiểm tra đôn đốc thương nghiệp bán ra những mặt hàng có điều kiện để thu tiền về, tránh để tồn kho quá cao, làm hàng đọng lâu ngày sinh ra kém hoặc mất phẩm chất. Nghiêm cấm việc bán chịu hàng hóa dưới mọi hình thức và ở mọi khâu.

Các tổ chức thương nghiệp sau khi bán hàng phải nộp hết và kịp thời tiền mặt vào ngân hàng, không được tự ý giữ tiền lại chi mà không được sự thỏa thuận của ngân hàng. Các cơ quan, nhất là cấp ủy và chính quyền huyện, không được quyền mượn tiền bán hàng để chi vào việc khác.

Ngân hàng Nhà nước cần bảo đảm tiền mặt cần thiết cho các ngành nội thương và vật tư thu mua vật tư và phương tiện sinh hoạt cần thiết do tư nhân bán tại thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác ở miền Nam để thống nhất cung cấp cho các cơ quan và nhân dân các nơi khác. Nếu cơ quan, đơn vị nào muốn mua vật tư kỹ thuật và nguyên vật liệu tại thành phố Hồ Chí Minh thì nhất thiết phải đến cơ quan vật tư thương nghiệp thành phố để mua và thanh toán bằng chuyển khoản. Ngân hàng không chi tiền mặt cho các cơ quan, đơn vị mua hàng ngoài thị trường tự do.

Cấm các cơ quan và tư nhân vào các tỉnh phía Nam mua nhà, đất, ô tô và các loại vật tư kỹ thuật thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý phân phối. Các cơ quan, xí nghiệp ở các tỉnh phía Bắc chuyển tiền vào các tỉnh phía Nam chỉ được rút ra chi dần. Các ngành ngân hàng Nhà nước và tài chính phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các khoản trả chuyển tiền, đảm bảo chi đúng mục đích, ngăn chặn việc rút tiền mặt mua sắm ngoài thị trường tự do và mua những thứ Nhà nước đã cấm, làm rối thị trường, bọn thương nhân và bọn đầu cơ càng có cơ hội trục lợi.

Đối với những mặt hàng không thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý thu mua, nếu thương nghiệp quốc doanh chưa đảm nhiệm được thì tạm thời phải có sự hướng dẫn cho lực lượng tiểu thương hoạt động trong việc mua và bán, tránh tình trạng ngăn cấm độc đoán, thiếu cân nhắc toàn diện, làm cho thị trường bị chia cắt, hàng hóa khan hiếm một cách giả tạo.

2. Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường công tác quản lý tiền mặt: không gây phiền phức và tùy tiện cắt xén các nhu cầu tiền mặt của cơ quan, đơn vị, nhưng không được buông lơi quản lý. Phải kiểm tra các cơ quan, đơn vị kinh tế thực hiện nghiêm chỉnh chế độ mở tài khoản và gửi tiền vào Ngân hàng Nhà nước. Mọi việc mua bán giao dịch giữa các đơn vị có mở tài khoản ở ngân hàng nhất thiết phải được thanh toán bằng chuyển khoản (chỉ trừ những món nhỏ). Thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị có thu tiền mặt phải nộp hết và kịp thời vào Ngân hàng Nhà nước; rút tiền ở ngân hàng phải hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích theo kế hoạch Nhà nước và kế hoạch tiền mặt đã được ngân hàng thỏa thuận.

Ủy ban nhân dân các cấp phải chỉ đạo chặt chẽ công tác vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm, đưa công tác này thành phong trào quần chúng mạnh mẽ, rộng khắp và thường xuyên. Ngân hàng Nhà nước phải gấp rút củng cố tổ chức, mở rộng mạng lưới tiết kiệm, đơn giản thủ tục để nhân dân gửi và rút tiền được nhanh chóng thuận tiện. Phải động viên và quản lý tốt hơn nữa mọi nguồn vốn nhàn rỗi, đặc biệt là nguồn tiền gửi của các tổ hợp sản xuất và các nhà kinh doanh công thương nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều hòa phát hành để tăng khả năng bảo đảm nhu cầu tiền mặt cho các đơn vị kinh tế, tổ chức điều hòa lưu thông tiền tệ từng khu vực và thời vụ. Các cấp Đảng ủy và chính quyền địa phương cần chỉ đạo toàn diện để động viên tối đa các nguồn thu và tiết kiệm chi, tăng vòng quay đồng tiền phục vụ nền kinh tế mà không phải phát hành thêm; không nên ép ngân hàng phát hành tiền một chiều, hoặc ép ngân hàng cho tài chính vay để chi tiêu.

3. Ngành tài chính cần củng cố bộ máy để tận thu các loại thuế đã ban hành, nhất là không buông lỏng các loại thuế đánh vào thu nhập của những người tư sản. Bên cạnh việc chống thất thu thuế, cần chấm dứt tình trạng đánh thuế tràn lan và thu thủ tục phí tùy tiện theo luật lệ do các ngành, các cơ quan và địa phương tự ý đặt ra, gây thắc mắc trong nhân dân. Cùng với việc thực hiện thống nhất chế độ tiền lương, cần tiến hành thu các khoản về cung ứng lao vụ, về tiền nhà, điện, nước… đối với cán bộ công tác ở các tỉnh phía Nam. Phải kiên quyết đưa việc chi tiêu tài chính vào nền nếp và chế độ. Cần chấm dứt tình trạng mỗi địa phương tự đề ra các chế độ chi tiêu của mình một cách vô nguyên tắc (như trợ cấp, phụ cấp cho cán bộ, tiếp khách, liên hoan…)

Thông qua việc nông dân bán nông sản cho Nhà nước, Ủy ban nhân dân các thành phố, tỉnh và huyện có trách nhiệm chỉ đạo các ngành thu các loại nợ cũ như nợ mua phân bón, xăng, dầu và các loại vật tư, nợ tạm ứng thu mua của lương thực, nợ ngân hàng đã đến hạn trả, thu đảm phụ và nợ đảm phụ các năm trước…

Các ngành Ngân hàng Nhà nước và tài chính cần phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình chấp hành kỷ luật tiền mặt và kỷ luật tài chính của các cơ quan, đơn vị kinh tế: đơn vị nào thu tiền mặt không nộp, hoặc rút tiền về để đọng quá mức tại quỹ thì buộc phải nộp ngay vào ngân hàng; cơ quan, xí nghiệp nào sử dụng lãng phí vốn ngân sách, chi tiêu sai chế độ thì phải chấn chỉnh ngay và có thái độ xử lý kỷ luật đối với người làm sai. Đồng thời, các đoàn kiểm tra nói trên cũng cần giúp các địa phương triển khai thực hiện những biện pháp nêu trong chỉ thị này.

Các vấn đề khác như hình thành quỹ hàng hóa ở cả hai miền, phương thức phân phối hàng hóa thống nhất trong cả nước, xây dựng và củng cố hệ thống thương nghiệp ở miền Nam, giải quyết  giá cả thu mua nông sản và bán hàng công nghệ, giảm biên chế hành chính để tăng cường cho các khâu sản xuất và kinh doanh… thì các ngành chức năng cần nghiên cứu gấp để sớm triển khai tiếp theo chỉ thị này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 
 
 
Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 147-TTg năm 1977 về tập trung nguồn hàng trong tay nhà nước, tiền phân phối theo kế hoạch, tăng cường quản lý thu chi tiền mặt và thu chi tài chính tại các tỉnh phía Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 147-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/03/1977
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 28/03/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản