Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 144-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 1981

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM TRONG CÁC NGÀNH, CÁC CẤP VÀ TRONG NHÂN DÂN

Thi hành chỉ thị số 449-TTg ngày 8-2-1977 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, nhiều đơn vị, cá nhân đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và đạt được một số thành tích về tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nâng cao công suất sử dụng thiết bị, tạo ra nhiều năng suất lao động cao, tăng thêm sản phẩm xã hội ...

Tuy nhiên, nhìn chung việc quản lý, sử dụng vật tư, thiết bị, tiền vốn, lao động còn rất lỏng lẻo, ít hiệu quả; tình trạng tham ô, ăn cắp, làm mất mát, hư hỏng, lãng phí tài sản xã hội chủ nghĩa ngày càng nghiêm trọng và phổ biến; tệ nạn chè chén, liên hoan trong cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã và ma chay, cưới xin trong nhân dân khá phổ biến, trở thành một tập quán xấu ở nhiều nơi.

Hiện nay, chúng ta đang bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ ba, trong tình hình có nhiều mặt mất cân đối của nền kinh tế quốc dân chưa được khắc phục; vật tư, lương thực , tiền vốn, ngoại tệ rất căng thẳng; trật tự quản lý kinh tế, tài chinh bị phá vỡ chưa trở lại nền nếp.

Trước tình hình như trên, các nghành, các cấp phải coi nhiệm vụ thực hiện tiết kiệm triệt để là một quốc sách và là một điều kiện hết sức quan trọng để đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập quốc dân, góp phần giải quyết có hiệu quả những khó khăn, mất cân đối hiện nay và bảo đảm phục vụ những nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Xuất phát từ mục đích, yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành chỉ thị số 449-TTg, mở cuộc vận động tiết kiệm vật tư kỹ thuật (nhất là các loại năng lượng, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, phụ tùng ...) tiền vốn, lao động, trong tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở. Cùng với việc tiết kiệm vật tư kỹ thuật cần vận động quần chúng tiết kiệm tiêu dùng, nhất là dùng tiết kiệm các mặt hàng nhà nước đang thiếu như lương thực, thực phẩm, điện, than, xăng dầu, vải, giấy...

Chỉ thị số 449 - TTg đã quy định cụ thể yêu cầu, nội dung, biện pháp thực hiện tiết kiệm và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị trong việc thực hiện nội dung và các phương án tiết kiệm. Nói chung những quy định đó đến nay vẫn còn đầy đủ tính thời sự cấp bách. Các ngành, các cấp cần nghiên cứu lại chỉ thị nói trên để quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số điểm về mục đích, yêu cầu, nội dung và biện pháp thực hiện cuộc vận động tiết kiệm trong tình hình hiện nay như sau:

1. Các Bộ, các ngành trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục mở cuộc vận động lao động - sản xuất - tiết kiệm toàn diện, sâu rộng trong các ngành, các cấp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp hành chính, lực lượng vũ trang, các hợp tác xã, trong cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân, tạo ra một khí thế lao động - sản xuất - tiết kiệm sôi nổi, liên tục.

Cuộc vận động tiết kiệm này phải gắn với cuộc vận động thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ V, với phong trào phát huy sáng kiến, sáng chế với cuộc đấu tranh chống tiêu cực, với công tác cải tiến quản lý sản xuất, phân phối lưu thông.

2. Trong cuộc vận động lần này cần đạt cho được những yêu cầu chính sau đây:

a. Thực hiện một chế độ tiết kiệm gắt gao và đưa vào nền nếp quản lý theo tiêu chuẩn và định mức, tất cả các loại vật tư kỹ thuật cũng như tất cả các khoản chi phí về tài chính, ngoại tệ ...

b. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn có hiệu quả những tổn thất về tài sản, vật tư, tiền vốn do tham ô, ăn cắp, móc ngoặc, phá hoại ... gây ra trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải, phân phối lưu thông, tiêu dùng ... cả trong khu vực kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và ngoài xã hội.

c. Đẩy mạnh việc khai thác, chế tạo và sử dụng các loại nguyên liệu, vật liệu, thiết bị phụ tùng trong nước thay thế nguồn nguyên liệu, vật liệu ... phải mua của nước ngoài; sửa chữa khôi phục để dùng lại hoặc dùng tốt hơn các loại thiết bị, xe máy hiện đang bị hư hỏng, phế bỏ.

d. Tổ chức việc thu hồi hết và tìm cách sử dụng các loại nguyên liệu, hàng hoá phế thải trong các cơ sở xí nghiệp, cơ quan, trường học, quân đội và trong nhân dân.

đ. Tìm mọi cách để sử dụng vật tư đạt hiệu quả cao (đặc biệt chú ý các loại vật tư chiến lược, các loại năng lượng, nguyên liệu quý), trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, các hợp tác xã.

e. Phổ biến và vận dụng các kinh nghiệm dùng tiết kiệm các loại hàng tiêu dùng khan hiếm.

3. Đi vào trọng tâm của từng ngành, từng lĩnh vực, phải đạt được các yêu cầu tiết kiệm như sau:

- Các ngành và cơ sở sản xuất công nghiệp phải bằng các biện pháp kinh tế và khoa học kỹ thuật phấn đấu giảm mạnh mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu, năng lượng trên một đơn vị sản phẩm; trở lại các định mức tiến bộ nhất của ngành về tiêu hao vật tư, nguyên liệu đã đạt được trong những năm qua và tiến lên thực hiện thấp hơn các định mức đó; có tiến bộ rõ rệt về giảm tỷ lệ hàng xấu, hàng hỏng, về khai thác, chế tạo và sử dụng nguyên liệu, phụ tùng trong nước, giảm bớt nguồn nguyên liệu phải mua của nước ngoài để tiết kiệm ngoại tệ, nâng cao công suất sử dụng thiết bị, máy móc, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ giao nộp sản phẩm cho Nhà nước.

- Ngành và cơ sở giao thông vận tải, phải phấn đấu giảm mạnh mức tiêu hao về xăng dầu, giữ gìn tốt, tăng nhanh vòng quay và năng suất của phương tiện; triệt để chống tham ô, lãng phí, lấy cắp nhiên liệu và hàng vận chuyển.

- Ngành và cơ sở xây dựng phải triệt để tiết kiệm vật liệu xây dựng (nhất là xi măng, gỗ, sắt thép) và xăng dầu; tăng công suất sử dụng xe, máy thi công; nâng cao chất lượng công trình và hoàn thành nhanh các công trình xây dựng; sử dụng phương tiện thô sơ cải tiến để thay cho máy móc, giảm dùng xăng dầu; tự làm lấy đạt tiêu chuẩn chất lượng các công việc phải thuê nước ngoài hoặc chuyên gia nước ngoài.

- Các ngành và cơ sở nông nghiệp, lâm nghiệp phải triệt để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả các loại vật tư, phân bón, giống, thức ăn gia súc, xăng dầu; giảm tỉ lệ hao hụt xuống mức thấp nhất và bảo quản tốt những sản phẩm làm ra; giữ gìn và sử dụng có hiệu quả đất đai, các loại máy móc, thiết bị; các nông trường quốc doanh phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ giao nộp sản phẩm cho Nhà nước; các hợp tác xã phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế và bán sản phẩm cho Nhà nước.

- Các ngành phân phối lưu thông (nội thương, ngoại thương, vật tư, lương thực và các cơ quan khác làm nhiệm vụ lưu thông) phải bảo quản tốt vật tư, hàng hoá; phấn đấu giảm hao hụt, giảm chi phí lưu thông; kiên quyết chống tham ô, lãng phí, lấy cắp, làm hư hỏng vật tư, hàng hoá.

- Các đơn vị quân đội, lực lượng vũ trang phải triệt để tiết kiệm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc men, quân trang trong các binh chủng, quân chủng; thực hiện chế độ quản lý nghiêm ngặt về sử dụng xăng dầu, vật tư, sử dụng các loại thiết bị, xe máy; chống tham ô, móc ngoặc và dùng không đúng mục đích các loại vật tư hàng hoá của quân đội.

- Tất cả các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước ở các cấp và các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải chấm dứt ngay tệ chè chén, liên hoan, ăn uống, quà biếu, tặng phẩm .. bừa bãi, vô nguyên tắc trong các dịp hội họp, tổng kết, tiếp khách v.v... triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là tiết kiệm điện, giấy tờ; giảm bớ chi phí về mua sắm hàng hoá.

Quản lý chặt chẽ và soát xét kỹ việc tổ chức các đoàn đi ra nước ngoài và mời khách nước ngoài vào nước ta.

- Trong các khu dân cư, các đơn vị hành chính cơ sở dựa vào Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các địa phương cần vận động nhân dân tiết kiệm tiêu dùng, gửi tiền vào quỹ tiết kiệm, chống nấu rượu lậu, tổ chức việc ma chay, cưới xin, giỗ tết theo nếp sống văn minh, không ăn uống linh đình.

- Thu hồi và tận dụng hết các loại phế liệu trong nhân dân và trong cơ quan, xí nghiệp ở địa phương; trước hết tập trung sức thu hồi và tận dụng những loại phế liệu đang có nhu cầu lớn như chai lọ thuỷ tinh cho ngành rượu, bia, y dược ..; bao xi măng cũ; bao tải cho ngành lương thực; các loại bao bì bằng gỗ, bìa cứng, nhựa, sắt ...; các loại giấy cũ, pin cũ, đồ nhựa, chất dẻo, cao su, đồng, nhôm và sắt thép vụn, than qua lửa, gỗ cành ngọn, v.v...

4. Biện pháp tích cực và có hiệu lực để thực hành tiết kiệm là phải kết hợp việc áp dụng, bổ sung, sửa đổi các chế độ quản lý hành chính kinh tế với việc áp dụng, bổ sung, sửa đổi các chế độ quản lý hành chính kinh tế, kỹ thuật với biện pháp giáo dục tư tưởng, chính trị và vận động quần chúng đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực. Cần thi hành các biện pháp thưởng, phạt, theo các chế độ hiện hành để khuyến khích tiết kiệm, chống lãng phí trong việc phân phối và sử dụng lao động, vật tư và tiền vốn của Nhà nước, của tập thể và của nhân dân. Ngành nào, nơi nào thấy việc áp dụng các chế độ quản lý hiện hành không có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ việc tiết kiệm vật tư, tài chính, ngoại tệ, lao động ... thì mạnh dạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền hoặc với Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung, sửa đổi.

Căn cứ vào chỉ thị này, các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch triển khai cụ thể của ngành và địa phương mình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu đề ra các phương án tiết kiệm cụ thể của đơn vị, áp dụng cho từng loại vật tư, nguyên liệu, hàng hoá, và có phương án giữ gìn, nâng cao công suất sử dụng từng loại thiết bị, xe máy.

Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể để hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, các quân, binh chủng xây dựng và thực hiện các phương án tiết kiệm, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của từng đơn vị, quân, binh chủng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần có kế hoạch , biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo thực hành tiết kiệm trong khu vực kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở địa phương.

5. Để cuộc vận động thực hành tiết kiệm mang lại kết quả, cần có sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên và kiên quyết của các cấp uỷ Đảng, và sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng, các ngành, các đơn vị cơ sở, đồng thời phải gắn cuộc vận động tiết kiệm với phong trào lao động đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và thực hiện các công tác thường xuyên.

Các cơ quan quản lý tổng hợp như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước , Bộ Tài chính, Bộ vật tư, Bộ Lao động... theo chức năng của mình, cần cải tiến, bổ xung và có văn bản hướng dẫn cần thiết về các chế độ quản lý, nhằm thực hiện tiết kiệm triệt để, đồng thời phải tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện các chế độ đó.

Các cơ quan quản lý ngành kinh tế kỹ thuật ở trung ương cần hướng dẫn cụ thể phương hướng, nội dung và biện pháp tiết kiệm cho toàn ngành, ban hành các quy định, định mức và tiêu chuẩn cần thiết để áp dụng xuống đến đơn vị cơ sở.

Các cơ quan thanh tra, nội vụ cần phối hợp với các cơ quan kiểm sát, toà án, có kế hoạch, biện pháp đề cao pháp luật, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tiếp tục và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, trấn áp bọn phá hoại, trừng trị bọn ăn cắp, tham ô tài sản Nhà nước và những phần tử vô trách nhiệm để thiệt hại lớn đến tài sản Nhà nước.

Các cơ quan tuyên truyền, báo chí, phát thanh, vô tuyến truyền hình cần có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong công nhân, viên chức và nhân dân về ý thức tiết kiệm cũng như các kinh nghiệm và biện pháp thực hành tiết kiệm.

Tổng công đoàn, trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trung ương Hội liên hiệp phụ nữ có văn bản hướng dẫn ngành dọc và có kế hoạch vận động, giáo dục cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng phong trào sản xuất, tiết kiệm, chống tiêu cực.

Mỗi bộ, tổng cục và mỗi tỉnh, thành phố cần phân công một đồng chí thứ trưởng, tổng cục phó hoặc phó chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, theo dõi cuộc vận động tiết kiệm và tổ chức một bộ phận chuyên trách theo dõi, kiểm tra cuộc vận động này ở cấp dưới.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 144-TTg về đẩy mạnh cuộc vận động thực hành tiết kiệm trong các ngành, các cấp và trong nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 144-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/07/1981
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: 15/07/1981
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 17/07/1981
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản