BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1415/CT-BNN-NTTS | Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2008 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÔM SÚ, TÔM HE GIỐNG VÀ ĐIỀU KIỆN VÙNG NUÔI TÔM
Năm 2008 thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, đầu năm phía Bắc rét đậm, rét hại kéo dài, các tỉnh phía Nam hạn hán làm cho nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta bị ảnh hưởng không nhỏ. Mặc dù đến cuối tháng 3 mới là thời vụ thả tôm giống thích hợp, nhưng một số nơi ngay từ tháng 1, tháng 2 đã tiến hành thả tôm giống nuôi sớm vụ. Theo thống kê 5 tỉnh trọng điểm nuôi tôm ở ven biển Nam bộ diện tích đã thả giống nuôi là 335.503 ha trong đó: Cà Mau là 207.831/248.000ha, Bạc Liêu 102.154/123.500 ha, Sóc Trăng 17.552/48.642ha, Trà Vinh 16.766/24.783, Bến Tre 11.200/28.000 ha. Vì thế, mới bước vào đầu vụ nhưng tôm nuôi đã chết nhiều ở các tỉnh ven biển Nam bộ (62.390ha/355.503 ha đã thả giống chiếm 17%) gây thiệt hại cho người sản xuất và ảnh hưởng đến kế hoạch của ngành.
Kết quả khảo sát của Cục Nuôi trồng thuỷ sản cho thấy một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tôm nuôi bị chết như sau: người nuôi tôm chưa tuân thủ khung mùa vụ, nhiều cơ sở thả giống sớm gặp điều kiện thời tiết thay đổi (nắng nóng, mưa trái vụ, môi trường thay đổi đột ngột) làm cho tôm nuôi bị nhiễm bệnh; chất lượng con giống từ nơi sản xuất kém, người nuôi tham giá rẻ mua thả nên tỷ lệ hao hụt cao; việc tuân thủ điều kiện nuôi còn nhiều bất cập (ao nuôi không đảm bảo độ sâu, mức nước thấp, nhiệt độ nước thay đổi ngày/đêm lớn) dẫn đến tôm bị sốc và bị bệnh; chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình xử lý nước cấp, nước thải; hệ thống thuỷ lợi nội đồng chưa được cải thiện nên hiện tượng thiếu nước, sử dụng nước tù đọng còn phổ biến; việc tuân thủ quy trình công nghệ nuôi tôm chưa nghiêm túc; tính cộng đồng của người dân chưa cao nên có hiện tượng tôm nuôi bị bệnh chết lại xả nước ra kênh mương cấp nước chung làm lây nhiễm bệnh cho toàn vùng.
Để phát triển nuôi tôm bền vững, duy trì thế mạnh sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của năm 2008 và các năm sau về nuôi trồng thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu:
1.1. Về sản xuất giống tôm
a) Tập trung tối đa nguồn lực kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn tôm bố mẹ nhập nội và khai thác ở các vùng biển trong nuớc theo đúng các quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 99 : 1996; vận động tuyên truyền, chỉ đạo và giám sát các cơ sở sản xuất giống chỉ cho tôm mẹ đẻ tối đa 3 lần;
b) Tăng cường kiểm tra và giám sát các cơ sở sản xuất giống tuân thủ điều kiện sản xuất theo đúng các quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 92 : 1994; những cơ sở không đảm bảo điều kiện vật chất, kỹ thuật cho sản xuất thì cương quyết đình chỉ sản xuất;
c) Kiểm tra, giám sát về điều kiện an toàn vệ sinh môi trường, hệ thống nhà xưởng; mật độ ương và sử dụng các loại thức ăn sống để ương nuôi ấu trùng tôm ở giai đoan Zoea, Mysis và P1-5. Các cơ sở sản xuất giống tôm chỉ được sử dụng các loại thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học có trong Danh mục của Bộ, các loại thức ăn đảm bảo chất lượng;
d) Tăng cường quản lý chất lượng tôm giống trong trại sản xuất, chú ý đến kích cỡ tôm và đảm bảo không nhiễm bệnh theo đúng các quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 124 : 1998; tôm giống đưa ra khỏi trại giống phải được kiểm tra chất lượng, dán nhãn mác và thực hiện công bố chất lượng theo quy định; xử phạt nghiêm hoặc đình chỉ sản xuất các cơ sở xuất bán tôm giống không đạt tiêu chuẩn quy định.
1.2. Về nuôi tôm thương phẩm
a) Kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống tôm trước khi thả xuống ao nuôi; hướng dẫn người nuôi phải ương dưỡng con giống từ 2-3 ngày để kiểm tra bệnh và thuần hoá thích nghi với điều kiện môi trường nơi thả nuôi; những cơ sở nuôi theo hình thức quảng canh với mô hình tôm - lúa, tôm - rừng thì trước khi thả phải ương lớn thành tôm giống có kích thước 30 - 40mm theo đúng các quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 125 : 1998.
b) Tổ chức thả giống rải vụ trong khung mùa vụ để tránh áp lực về con giống, nguồn nước và khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm khi thu hoạch.
c) Đối với các cơ sở nuôi tôm sú bán thâm canh và thâm canh yêu cầu tuân thủ quy trình kỹ thuật theo Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 110:1998; Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 171:2001 và Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 190 : 2004 về quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; cương quyết đình chỉ sản xuất đối với những cơ sở không đủ điều kiện.
d) Quản lý tốt chất lượng thức ăn; tuân thủ kỹ thuật cho ăn để hạn chế thức ăn dư thừa trong ao; hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống; tuyệt đối không sử dụng thức ăn ươn thối, thức ăn kém chất lượng và không rõ nguồn gốc.
đ) Nghiêm cấm việc dùng các loại hoá chất, thuốc cấm sử dụng; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong việc xử lý nước cấp, nước thải và giảm thiểu độ béo của nước trong ao nuôi.
g) Thường xuyên thu gom, loại bỏ, xử lý chất thải rắn; tuân thủ chế độ sục khí và đảo nước để làm tăng lượng oxy hoà tan trong ao; tuân thủ quy trình xử lý môi trường ao nuôi khi có mưa, lũ lụt; tuân thủ quy trình xử lý nước cấp vào ao nuôi và nước thải.
h) Theo dõi tình hình sức khoẻ của tôm nuôi để sớm phát hiện bệnh, nếu ao tôm bị nhiễm bệnh phải thực hiện chế độ cách ly, nếu có hiện tượng lây lan thành dịch phải báo ngay với cơ quan thú y thuỷ sản địa phương để khoanh vùng dập dịch, tuyệt đối không được xả nước trực tiếp ra ngoài làm lây lan dịch bệnh ra toàn vùng.
i) Với những ao, đầm nuôi tôm độc canh liên tục nhiều năm tồn đọng nhiều chất thải rắn, tiềm ẩn tác nhân gây bệnh dẫn đến môi trường suy thoái, tôm nuôi bị bệnh thì ngừng nuôi tôm, chuyển sang nuôi luân canh các loài cá ăn thực vật, nhuyễn thể có giá trị kinh tế hoặc rong biển.
1.3. Đối với tôm he chân trắng:
- Uỷ Ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 228/CT-BNN ngày 25/ 1/ 2008 về phát triển nuôi tôm he chân trắng.
- Các sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và sở Thuỷ sản chủ động rà soát các vùng qui hoạch nuôi tôm nói chung, tôm sú nói riêng điều chỉnh hợp lý cho việc phát triển nuôi tôm chân trắng phù hợp Chỉ thị 228/CT-BNN ngày 251/2008. Không để tự phát, phát triển theo kiểu “da báo” ảnh hưởng đến cả 2 đối tượng nuôi.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
2.1. Cục Nuôi trồng thủy sản:
a) Phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS II, III để hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện nội dung của Chỉ thị này và kịp thời tháo gỡ những tồn tại về công nghệ, dịch bệnh và môi trường;
b) Phối hợp với Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng ở địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo nhằm kiểm soát chặt chẽ con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh và chế phẩm sinh học; tổ chức tạo cầu nối gắn kết giữa cơ sở sản xuất con giống và cơ sở nuôi tôm thương phẩm;
c) Nhanh chóng hoàn chỉnh dự thảo quy chế quản lý giống; phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III biên soạn tài liệu “Hướng dẫn quy trình công nghệ ương giống tôm sú và tôm he chân trắng; Hướng dẫn quy trình công nghệ nuôi thâm canh tôm sú đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, để phổ biến cho các cơ sở sản xuất;
d) Chỉ đạo các Trung tâm Quốc gia quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản tăng cường hoạt động và thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên để phục vụ kịp thời cho sản xuất, xử lý những sự cố phát sinh.
2.2. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Triển khai phối hợp với Cục Nuôi trồng thủy sản xây dựng mô hình quản lý sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm có sự tham gia quản lý cộng đồng;
2.3. Cục Thú y: tăng cường kiểm soát dịch bệnh con giống tôm he chân trắng, tôm sú nhập qua các cửa khẩu Móng Cái; và xây dựng danh mục những bệnh nguy hiểm ở tôm sú và tôm he chân trắng cần kiểm dịch.
2.4. Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quốc gia: phối hợp với địa phương tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về nuôi tôm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng trị bệnh, quản lý môi trường, thức ăn cho người nuôi tôm.
2.5. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: rà soát và điều chỉnh các Tiêu chuẩn ngành về sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm hiện nay không còn phù hợp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các Cục, Vụ, Viện, Thanh tra, Văn phòng, Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm thực hiện nghiêm Chỉ thị này và thường xuyên gửi báo cáo tình hình thực hiện về Bộ theo địa chỉ Cục Nuôi trồng thuỷ sản, số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Chỉ thị có hiệu lực sau kể từ ngày ký./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 1711/BNN-TCTS năm 2014 về quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công văn 836/TCTS-NTTS năm 2013 về kiểm tra chất lượng đàn tôm bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 6361/BNN-TY năm 2023 về ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Công văn 1711/BNN-TCTS năm 2014 về quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công văn 836/TCTS-NTTS năm 2013 về kiểm tra chất lượng đàn tôm bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 6361/BNN-TY năm 2023 về ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chỉ thị 1415/CT-BNN-NTTS năm 2008 về tăng cường quản lý chất lượng tôm sú, tôm he giống và điều kiện vùng nuôi tôm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 1415/CT-BNN-NTTS
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 22/05/2008
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Việt Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/05/2008
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết