Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Bình Dương, ngày 24 tháng 7 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trong 05 năm qua, bệnh Dại ở nước ta đã làm chết 410 người và trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước đã ghi nhận số trường hợp tử vong do bệnh Dại xảy ra trên người là 70 ca và trong 06 tháng đầu năm 2023 đã có 35 ca tử vong tại 17 tỉnh, thành phố (tăng 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022).

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp ca tử vong vì bệnh Dại trên người và trường hợp mắc bệnh Dại trên đàn chó nuôi, động vật khác nhưng đã xảy ra 01 trường hợp người tử vong do bị chó nuôi tấn công vào tháng 5 năm 2023 tại thành phố Dĩ An.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây lan, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh Dại; thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát bệnh Dại theo mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 25/03/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

b) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản:

- Tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo (định kỳ, bổ sung); bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được thống kê, trong giai đoạn năm 2023 - 2025 và từ 80% trở lên trong giai đoạn năm 2026 - 2030.

- Tăng cường giám sát bệnh Dại trên động vật với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư; kịp thời chia sẻ thông tin với ngành Y tế khi có các ca bệnh Dại trên đàn chó, mèo. Báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu bệnh Dại trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) của Cục Thú y.

- Đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh Dại. Xây dựng, cung cấp nội dung tuyên truyền hỗ trợ cho các địa phương tuyên truyền qua Đài phát thanh các cấp.

- Rà soát, tổ chức xây dựng và duy trì các vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn Y tế kịp thời chia sẻ, trao đổi thông tin chính xác với cơ quan Thú y ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn (trong vòng 24 giờ); tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh Dại theo quy định.

- Đảm bảo việc tiếp cận vắc xin phòng bệnh Dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh Dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

- Kiểm tra và xử lý theo đúng quy định đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng phương pháp phòng, trị bệnh chưa được công nhận, thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

3. Sở Tài chính

Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí kinh phí thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức xây dựng kế hoạch và tăng cường thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông và các ngành chức năng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh Dại nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Khẩn trương rà soát ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của địa phương, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động cụ thể thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh Dại phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong công tác quản lý chó nuôi nhằm khắc phục tình trạng thả rông chó tại nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ chó tấn công người. Tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với ngành thú y định kỳ hàng năm rà soát, thống kê lập danh sách quản lý các tổ chức/cá nhân nuôi chó, mèo tại địa phương trước mỗi đợt tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chưa được tiêm phòng trên địa bàn quản lý để được tiêm phòng bổ sung đầy đủ.

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên, liên tục (đặc biệt vào trước thời điểm tổ chức tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo) qua hệ thống Đài phát thanh của địa phương để người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vật nuôi và chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại hiệu quả.

- Phối hợp với cơ quan thú y để được cung cấp nội dung, tài liệu tuyên truyền và tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nuôi chó, mèo và tiêm phòng bệnh Dại theo quy định của pháp luật.

- Xem xét tình hình thực tế địa phương để quyết định thành lập đội chuyên trách bắt chó, mèo thả rông và động vật mắc bệnh Dại hoặc nghi ngờ mắc bệnh Dại tại địa phương.

7. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể

Chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, các sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên, cộng đồng dân cư thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định; giám sát, vận động chủ vật nuôi thực hiện khai báo, tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh Dại, không thả rông chó, mèo nơi công cộng.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này; kết quả thực hiện báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp quản lý, chỉ đạo kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo, Đài PTTH BD, Website tỉnh;
- LĐVP, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Mai Hùng Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2023 về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 14/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Mai Hùng Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản