Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 31 tháng 12 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2015/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Để tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các công việc sau:

1. Đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh:

- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh trong triển khai, thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; tham mưu theo chức năng, nhiệm vụ của ngành ngân hàng thực hiện các chính sách của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn trên địa bàn; kịp thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Phối hợp với Sở Tài chính thực hiện việc kiểm tra, xác nhận, tổng hợp số liệu đề nghị khoanh nợ, xóa nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với các khoản nợ gốc và lãi của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có biện pháp xử lý.

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhất là hệ thống các Ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, tập trung vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là các dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa, mía, nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ...; đầu tư cho vay các xã xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao.

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; đề nghị các cấp khen thưởng đối với tổ chức tín dụng thực hiện tốt Nghị định số 55/2015/NĐ-CP trên địa bàn.

2. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương:

+ Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, nghiên cứu thị trường tiêu thụ đối với các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực và các mặt hàng khác để khuyến cáo người dân phát triển sản xuất và dịch vụ phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

+ Triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có các chính sách khuyến khích triển khai phát triển các mô hình hợp tác, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

+ Tư vấn cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất thực hiện sản xuất nông nghiệp qua mô hình liên kết theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ để các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư vốn theo Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ; có giải pháp mời gọi doanh nghiệp đầu tư trong phát triển mô hình, chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

- Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và nghề muối; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giống, bảo quản sau thu hoạch đối với người sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành có liên quan cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình biết để vay vốn phát triển sản xuất, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng cường công tác dự báo tình hình thiên tai, dịch bệnh, sâu rầy để thông báo đến các địa phương hướng dẫn người dân có biện pháp phòng chống; phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình hình dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi và động vật thủy sản nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro xảy ra. Tham mưu cấp có thẩm quyền công bố thiên tai, dịch bệnh theo quy định (nếu có); phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn xác định đối tượng khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để làm cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý rủi ro theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thực hiện việc sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

3. Đối với Sở Tài chính:

- Phối hợp với các sở, Ban, ngành có liên quan:

+ Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách để ủy thác cho vay qua các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;

+ Hàng năm, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét cho ý kiến trích một phần nguồn vốn ngân sách chuyển sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay hộ nghèo, hộ chính sách hoặc xem xét các nguồn vốn cho phép hỗ trợ với nhiều hình thức cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn có thêm nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn việc không thu lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

- Phối hợp với Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh thực hiện việc kiểm tra, xác nhận, tổng hợp số liệu đề nghị khoanh nợ, xóa nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với các khoản nợ gốc và lãi của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có biện pháp xử lý.

- Tổ chức triển khai chính sách bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn .

4. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, Ban ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, Ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là các xã xây dựng nông thôn mới;

- Làm đầu mối trong việc thu hút, khai thác các nguồn vốn trong và ngoài nước để ủy thác cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua các tổ chức tín dụng nếu có.

- Có giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, nhất là hỗ trợ xây dựng Hợp tác xã kiểu mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, nhân rộng các mô hình Hợp tác xã kinh doanh hiệu quả, tăng cường thông tin tuyên truyền... nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển đúng hướng, vững mạnh.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Sở Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát và đề xuất xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng,

5. Đối với Sở Công Thương:

Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và phát triển hệ thống phân phối trong khâu tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp.

6. Đối với Sở Tư pháp:

Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn việc không thu lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

7. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường:

Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác trên đất theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng.

8. Đối với Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

Chủ trì, hướng dẫn Hợp tác xã trên địa bàn trong việc rà soát lại điều lệ, tổ chức đại hội thành viên để củng cố hoạt động của Hợp tác xã, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn khác.

9. Đối với các sở, ban, ngành có liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn:

Các Sở, Ban, ngành có liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình phối hợp với ngành ngân hàng trên địa bàn tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là người dân ở khu vực nông thôn hiểu, tiếp cận chính sách này.

10. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện công tác quy hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, xác nhận việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp cho các đối tượng khách hàng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

- Xem xét, xác nhận; hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn xác định đối tượng khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để làm cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý rủi ro theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Tổ chức triển khai việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; phối hợp với ngành ngân hàng xây dựng và triển khai chính sách cho vay phục vụ chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là chính sách cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp,

11. Đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn:

- Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn của từng hệ thống các tổ chức tín dụng, triển khai đến khách hàng các thủ tục, điều kiện vay vốn... rõ ràng, minh bạch, đơn giản để tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

- Thường xuyên thông tin tuyên truyền các gói tín dụng cho vay lĩnh vực Nông nghiệp theo từng hệ thống đơn vị, nhất là các thông tin liên quan đến thủ tục, điều kiện, quy định cho vay, kết quả cho vay... đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là người dân ở khu vực nông thôn tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

- Tăng cường công tác huy động vốn, tập trung cho vay đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là các dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa, mía, nuôi trồng thủy sản...; đầu tư cho vay các xã xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao.

- Hướng dẫn việc thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng có mua bảo hiểm trong nông nghiệp khi vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

- Mở rộng mạng lưới hoạt động tại các xã vùng sâu, vùng xa để khách hàng sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay và giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng.

12. Tổ chức thực hiện:

Giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu các Sở, Ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức tín dụng trên địa bàn kịp thời phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh để tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo ./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (b/c);
- NHNN Việt Nam (b/c);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- CN. NHNN và các TCTD trên địa bàn;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH.

CHỦ TỊCH




Đồng Văn Lâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2015 thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do tỉnh Trà Vinh ban hành

  • Số hiệu: 14/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Đồng Văn Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản